Tương lai của thương mại điện tử - 5 xu hướng cho năm 2021
1. Sự nổi lên của các nhãn hiệu độc lập
Trong vài năm qua, D2C- mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử) mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào - đã bùng nổ, giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và đạt lợi nhuận tốt, đồng thời giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, với mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, giờ đây, xu hướng này đang thay đổi. Doanh số bán hàng nhãn hiệu riêng cao cấp đang gia tăng, tạo ra một ngành dọc mới trong lĩnh vực D2C. Khách hàng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm có thương hiệu riêng để tiếp cận những sản phẩm cao cấp và trải nghiệm mua sắm tốt hơn.
2. Thương mại điện tử ngoại tuyến
Chúng ta đều biết rằng thương mại điện tử đang bùng nổ và nhanh chóng bắt kịp với doanh số bán lẻ truyền thống và làm những con phố mua sắm trở nên vắng hơn. Tuy nhiên, xu hướng phát triển các cửa hàng thương mại điện tử ngoại tuyến ngày càng gia tăng.
Sự phát triển các cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ được mở tạm thời để tận dụng những xu hướng khác biệt hoặc nhu cầu theo mùa), các showroom (cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm) tương tác các cửa hàng thực tế thuộc sở hữu của các hãng thương mại điện tử đang đưa các nhà bán lẻ trực tuyến đến gần với khách hàng hơn bao giờ hết. Ngay cả Amazon cũng tham gia vào xu hướng này, với việc mở một chuỗi cửa hàng tiện lợi thực tế.
Vào năm 2021, chúng ta sẽ thấy gia tăng sự hiện diện các thương hiệu thương mại điện tử trên các con phố lớn, chiếm lĩnh các cửa hàng pop-up và cửa hàng đa kênh mang Internet vào cuộc sống thực.
3. Trải nghiệm việc xem TV kết hợp mua sắm
Khi xem một loạt phim Netflix, có khi nào bạn có ý nghĩ rằng "diễn viên này có chiếc áo thật đẹp, làm sao để mình mua được nó nhỉ?". Bạn sẽ sớm có thể nhấp chuột, tìm kiếm và mua được chiếc áo yêu thích đó thôi.
Cuối năm ngoái, kênh truyền hình NBC của Mỹ đã triển khai chương trình quảng cáo truyền hình có thể mua kết nối các chương trình với ứng dụng trên điện thoại di động, qua đó cho phép người xem mua những gì mà họ thích có xuất hiện trên màn hình TV.
Và có vẻ như công nghệ này sẽ sớm được tích hợp trực tiếp vào TV thông minh, kết hợp việc xem TV và mua sắm thành một trải nghiệm liền mạch, mang lại lợi ích cho cả người mua hàng và các nhà bán lẻ.
4. Sự hỗ trợ của AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã được sử dụng trong thương mại điện tử để đưa ra các đề xuất chọn lọc thông minh về sản phẩm, giúp khách hàng hình dung về sản phẩm tốt hơn và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thắc mắc của khách hàng. Vào năm 2021, AI còn sẽ giúp các công ty thương mại điện tử tìm kiếm khách hàng.
Các thuật toán thông minh sẽ phân tích các xu hướng hiện tại cùng với sản phẩm, kênh bán hàng, khách hàng và hành vi của người mua để xác định các kênh mua sắm, thời gian và giá tốt nhất để niêm yết sản phẩm.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian thu thập số liệu, tạo biểu đồ và viết báo cáo, đồng thời sẽ giúp các công ty thương mại điện tử đẩy mạnh doanh số bán hàng và tăng lợi nhuận nhanh chóng.
5. Sự lên ngôi của reCommerce
Các nghiên cứu gần đây đã đưa ra dự đoán rằng thị trường đồ cũ sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Bởi vậy, reCommerce- được hiểu là hoạt động kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng- sẽ chứng kiến một sự hồi sinh mới vào năm 2021.
Khi người tiêu dùng ngày càng bị kích thích bởi tính bền vững, thay vì giá cả, việc bán các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng sẽ làm rung chuyển ngành reCommerce trên toàn cầu. Điều này mang đến cơ hội thú vị cho các thương hiệu mở thị trường reCommerce của riêng họ và biến việc mua sắm đồ cũ thành một trải nghiệm mua sắm thú vị.