Hoàn thiện Nghị định hướng dẫn cơ chế đặc thù cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Kế hoạch phong trào thi đua năm 2025 xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Cụ thể, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó tập trung xây dựng nghị quyết của Chính phủ triển khai nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được dự kiến lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định: Phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Bên cạnh đó, dự án huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án.
Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai các hoạt động thực hiện trước,...
Khởi công 19 dự án cao tốc
Ngoài dự án đường sắt cao tốc, trong năm 2025 Bộ GTVT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết hai tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; nghiên cứu các tuyến đường sắt: TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, vành đai phía Đông Hà Nội.
Cũng như, hoàn thiện các thủ tục để khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; khẩn trương rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án đang dừng, chậm tiến độ để phòng, chống lãng phí, đặc biệt là Dự án Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân; Dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC).
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà ga hành khách T3 - Tân Sơn Nhất trước ngày 30/4/2025; triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Với đường bộ,Bộ GTVT phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án. Trong đó, hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc; hoàn thành, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Cùng đó, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án có kế hoạch khởi công trong năm 2025 như: Dự án TPHCM - Chơn Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trách nhiệm gắn với người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025.