Lợi bất cập hại từ đòn thuế quan của ông Trump, ai chịu thiệt trước tiên?
Hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh áp thuế 25% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời đánh thuế 10% lên hàng hoá từ Trung Quốc.
Riêng các sản phẩm năng lượng từ Canada như dầu mỏ và điện sẽ chịu mức thuế 10% để “giảm thiểu tác động gián đoạn mà Mỹ có thể phải chịu đối với giá xăng và dầu sưởi ấm”.
Thuế quan dự kiến có hiệu lực vào lúc 0h01 ngày 4/2 (theo giờ địa phương). Hiện chưa có thông tin nào về thời điểm dỡ bỏ thuế quan. Ngoài ra, thuế quan sẽ tăng lên nếu ba nước trả đũa Mỹ, dù theo bất kỳ hình thức nào.
Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan nhập khẩu sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. Một báo cáo của tổ chức Tax Foundation cho biết thuế quan sẽ giúp doanh thu thuế của chính phủ liên bang tăng thêm 1.200 tỷ USD trong giai đoạn 2025 - 2034.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều cật lực phản đối. Nhiều người cảnh báo thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng lạm phát, làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây tổn hại cho người lao động Mỹ và đẩy phí tổn sang người tiêu dùng Mỹ.
Chia sẻ với Guardian, Giáo sư Joseph Stiglitz thuộc Đại học Columbia cho hay: “Hầu như tất cả các nhà kinh tế đều tin rằng tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới sẽ rất tồi tệ. Gần như chắc chắn chúng sẽ gây ra lạm phát”.
Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel nhấn mạnh: “Thật khó có thể tin tưởng rằng các quốc gia khác sẽ không trả đũa. Dù một số chính phủ có thể không muốn trả đũa, công dân của họ sẽ không cho phép...”
Thuế quan, căng thẳng, nỗi sợ bị trả đũa và chiến tranh thương mại có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp các khoản đầu tư đã lên kế hoạch từ trước. Và điều đó sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế nói chung.
Ông Marcus Noland, Phó Chủ tịch của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Tác động của thuế quan sẽ đè nặng tăng trưởng kinh tế Mỹ, góp phần kéo lạm phát lên cao và những tác động đó sẽ tồi tệ hơn nếu các quốc gia khác trả đũa theo cách tương tự’.
Theo báo cáo của Tax Foundation, tuy thuế quan mang doanh thu về cho chính phủ Mỹ, chúng có thể xoá sổ 344.000 việc làm và khiến sản lượng kinh tế trong dài hạn giảm 0,4%. Dự báo này chưa tính đến bất kỳ hành động trả đũa nào từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Nước Mỹ chịu thiệt đầu tiên
Ông Trump nhấn mạnh rằng các chính sách thương mại mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người Mỹ. Vào ngày ông nhậm chức, Nhà Trắng đã công bố bản ghi nhớ có tựa đề “Chính sách thương mại lấy nước Mỹ làm trọng tâm”.
Văn bản này có đoạn: “Tôi đang xây dựng một chính sách thương mại mới và mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đầu tư và năng suất, tăng cường lợi thế công nghiệp và công nghệ quốc gia, bảo vệ an ninh kinh tế và an ninh quốc gia, và trên hết là mang lại lợi ích cho người lao động, nhà sản xuất, nông dân, chủ trang trại, doanh nhân và doanh nghiệp Mỹ”.
Song, nhiều nhà kinh tế cho rằng đây chỉ là suy nghĩ viển vông. Họ dự đoán khi chính quyền ông Trump áp thuế quan, các nhà sản xuất, nông dân và công nhân Mỹ sẽ chịu tổn hại.
Đơn cử, nhà kinh tế nổi tiếng người Canada Jim Stanford cảnh báo khi ông Trump áp thuế 25% lên hàng hoá Canada, điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp ô tô của cả hai nước.
Ông Stanford giải thích: “Ngành công nghiệp ô tô của Canada và Mỹ đã gắn bó mật thiết với nhau trong 60 năm qua. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ áp thuế với tất cả linh kiện và sản phẩm ô tô từ Canada và Mexico? Một số linh kiện ô tô phải đi qua biên giới Mỹ 8 lần trước khi được lắp ráp vào chiếc xe hoàn chỉnh”.
Ví dụ, một số loại thép sẽ được vận chuyển từ Mexico đến Mỹ. Tại Mỹ, chúng được đúc thành các bộ phận chế hoà khí và sau đó được vận chuyển đến Canada. Tại Canada, chế hoà khí được lắp ráp hoàn chỉnh và vận chuyển trở lại Mexico để đưa vào xe. Cuối cùng, xe sẽ được chuyển đến Mỹ để bán.
“Thuế quan sẽ áp lên từng bộ phận mỗi lần chúng đi qua biên giới Mỹ. Mức thuế 25% sẽ được tính gộp vào từng quy trình. Tác động về mặt chi phí sẽ rất khủng khiếp”, ông Stanford nhấn mạnh.
Vị chuyên gia nói thêm rằng ông Trump đã sai khi nghĩ Canada và các nhà sản xuất ô tô của nước này sẽ trả mức thuế quan 25% đó. “Rõ ràng là giá ô tô ở Mỹ sẽ tăng. Người Mỹ sẽ trực tiếp trả tiền”.
Các nhà kinh tế còn cảnh báo, một hậu quả khác của thuế quan là người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chính phủ Mỹ khi họ mua hàng nhập khẩu. Khi đó, họ sẽ không còn nhiều tiền để mua những hàng hoá khác và điều này sẽ gây hại cho các nhà sản xuất và bán lẻ Mỹ.
Theo ông Noland của Viện Peterson, Tổng thống Trump và những người ủng hộ thuế quan tin tưởng rằng “thuế quan sẽ hỗ trợ phục hồi lĩnh vực công nghiệp”.
“Nhưng chúng tôi phát hiện rằng tác dụng thực tế có vẻ ngược lại. Thuế quan có xu hướng gây tổn hại đến lĩnh vực công nghiệp Mỹ bằng cách làm giảm hiệu quả sản xuất so với các quốc gia khác”, ông cho hay.
Khi ông Trump áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Bắc Kinh đã trả đũa, đặc biệt nhắm vào nông sản xuất khẩu của Mỹ và gây thiệt hại cho nông dân Mỹ.
Ông Noland dự đoán nếu chính quyền ông Trump một lần nữa áp thuế Trung Quốc, nông dân sẽ lại bị ảnh hưởng bởi màn trả đũa của đất nước tỷ dân.
Chưa kể, ông Eswar Prasad, chuyên gia về chính sách thương mại của Đại học Cornell, cảnh báo thuế quan của ông Trump sẽ có thêm những tác động không mong muốn.
“Các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ phải trả qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn vì họ có khả năng sẽ phải đối mặt với rào cản thương mại tại các thị trường nước ngoài”, vị chuyên gia giải thích.
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nhìn thấy một rủi ro đáng ngại khác. Khi ngân hàng trung ương Mỹ thấy lạm phát đi lên do thuế quan, họ có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất trở lại.
“Điều đó có khả năng sẽ dẫn đến kết cục tồi tệ nhất là lãi suất tăng lên trong khi nền kinh tế lạm phát đình trệ”, ông cảnh báo. Lạm phát đình trệ là tình huống nền kinh tế suy yếu giữa lúc lạm phát tăng cao.
Còn ông David Seif, nhà kinh tế trưởng phụ trách các thị trường phát triển của Nomura, cho biết một số chính sách của ông Trump như cắt giảm thuế suất và giảm bớt quy định có thể giúp bù đắp những tác động có hại của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế.
Song, vì thuế quan, “lạm phát có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm nay và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ cắt giảm lãi suất một lần”. Điều đó sẽ làm lung lay hy vọng của ông Trump về việc buộc Fed nhanh chóng hạ lãi suất.