Reuters: Grab muốn thành lập ngân hàng
Reuters dẫn lời 4 nguồn tin cho biết, Grab sắp thuê một doanh nghiệp tư vấn để giúp họ tìm hiểu các thủ tục thành lập dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, người đại diện của công ty Grab từ chối bình luận về vấn đề này.
Với trị giá 14 tỉ USD (theo định giá của CB Insight), Grab là một trong những startup thành công nhanh nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ qua. Ra đời ở Malaysia vào năm 2012, họ trở thành công ty tư nhân có giá trị lớn nhất bên ngoài Mỹ và Trung Quốc, theo nhận định của CB Insight.
Việc thành lập dịch vụ ngân hàng sẽ là bước ngoặt lớn đối với Grab, đồng thời thổi luồng gió mới vào thị trường ngân hàng ở Singapore. Ảnh: FT
"Kỳ lân gọi xe" đã cung cấp một số dịch vụ tài chính, bao gồm nền tảng thanh toán trực tuyến trên điện thoại di động cho phép người sử dụng mua mọi thứ - từ vé tàu, đặt phòng khách sạn tới mua thực phẩm. Tuy nhiên, việc thành lập dịch vụ ngân hàng sẽ là bước ngoặt lớn đối với Grab, đồng thời thổi luồng gió mới vào thị trường ngân hàng ở Singapore vốn chịu sự thống trị của 3 thương hiệu địa phương là DBS, United Overseas Banking và Oversea-Chinese Banking.
Cơ quan Tiền tệ Singapore có thể cấp 2-3 giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho những công ty không trực thuộc bất kỳ ngân hàng nào đang hoạt động. Reuters cho biết, Cơ quan Tiền tệ Singapore có thể quyết định về việc cấp giấy phép thành lập ngân hàng điện tử trong tháng 6.
Theo The Financial Times, các giám đốc điều hành và nhà đầu tư của Grab đang xem xét khả năng tách mảng thanh toán GrabPay và/hoặc Grab Financial (GrabPay, GrabRewards và dịch vụ cho vay, bảo hiểm) thành bộ phận riêng. Họ có thể huy động vốn cho GrabPay hay Grab Financial một cách riêng biệt, để tách một hoặc cả hai mảng khỏi Grab.
Bắt đầu với dịch vụ gọi xe, các công ty như Grab và Go-Jek nắm trong tay cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ, và đó là chìa khoá mở ra các dịch vụ trực tuyến khác. So với thị trường Đông Nam Á, các công ty như Uber hay Amazon, Apple khó có thể có cơ hội để đổi mới hơn tại thị trường Mỹ, khi mà thẻ tín dụng có mặt khắp nơi và người tiêu dùng có thói quen thanh toán phần lớn chi phí bằng thẻ tín dụng như Mastercard và Visa.