|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Qui mô hiệu quả tối thiểu (Minimum Efficient Scale - MES) là gì? Ví dụ trong thực tế

15:24 | 30/01/2020
Chia sẻ
Qui mô hiệu quả tối thiểu (tiếng Anh: Minimum Efficient Scale - MES) là điểm thấp nhất trên đường cong chi phí mà tại đó một công ty có thể sản xuất sản phẩm của mình với mức giá cạnh tranh.
Hiệu quả qui mô tối thiểu (Minimum Efficient Scale - MES) là gì? Ví dụ trong thực tế - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Revisioncentregcse.blogspot.com

Qui mô hiệu quả tối thiểu

Khái niệm

Qui mô hiệu quả tối thiểu trong tiếng Anh là Minimum Efficient Scale - MES.

Qui mô hiệu quả tối thiểu (MES) là điểm thấp nhất trên đường cong chi phí mà tại đó một công ty có thể sản xuất sản phẩm của mình với mức giá cạnh tranh. 

Tại điểm MES, công ty có thể đạt được hiệu quả kinh tế theo qui mô đủ để cạnh tranh hiệu quả trong ngành.       

Đặc điểm Qui mô hiệu quả tối thiểu

Đối với các công ty sản xuất hàng hóa, việc tìm được điểm cân bằng tối ưu giữa nhu cầu của người tiêu dùng, sản lượng sản xuất và các chi phí liên quan đến qui trình sản xuất và giao hàng là rất quan trọng.    

Có nhiều loại chi phí sản xuất đóng góp cho một qui mô hiệu quả tối thiểu, nhưng mối quan hệ của nó với qui mô thị trường của sản phẩm hay nhu cầu đối với sản phẩm sẽ quyết định có bao nhiêu đối thủ có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.   

Nói cách khác, MES tìm cách xác định thời điểm một công ty có thể sản xuất hàng hóa của mình đủ rẻ để có thể có một mức giá cạnh tranh trên thị trường. 

Trong kinh tế học, MES là điểm sản xuất thấp nhất làm giảm tổng chi phí trung bình dài hạn (LRATC).

Hiệu quả qui mô tối thiểu (Minimum Efficient Scale - MES) là gì? Ví dụ trong thực tế - Ảnh 2.

Hình minh họa, Nguồn: Slideserve.com

LRATC thể hiện chi phí trung bình của một đơn vị sản phẩm trong dài hạn. Tuy nhiên, lưu ý rằng tất cả các đầu vào đều biến đổi.  

Ví dụ thực tế về Qui mô hiệu quả tối thiểu 

Từ những năm 1950, các gia đình ở Mỹ ngày càng phụ thuộc vào phương tiện dịch chuyển di động và số lượng các hộ gia đình sở hữu hơn một chiếc ô tô ngày càng tăng. Trong đó, công ty General Motors (NYSE: GM) đứng đầu và chiếm lĩnh thị trường.     

 Năm 1970, GM đã chuyển đổi phương thức lắp ráp xe hơi từ sản xuất chủ yếu thủ công sang sản xuất dây chuyền tự động. Nhu cầu của người tiêu dùng, sản xuất tăng và vật liệu giá rẻ tạo ra lợi thế kinh tế theo qui mô cho GM, công ty này đã đạt được qui mô hiệu quả tối thiểu tối đa.   

Trong những năm sau đó, thị phần của GM trong thị trường ô tô Mỹ lên tới 60%.   

Bất lợi thế kinh tế theo qui mô 

Bất chấp hiệu quả của tự động hóa sản xuất, hàng nhập khẩu giá rẻ bắt đầu xâm lấn vào thị trường ô tô Mỹ trong những thập kỉ tiếp theo. GM bắt đầu phải hứng chịu những tổn thất nặng nề, đóng cửa nhiều nhà máy và bước vào thời kì suy giảm trì trệ.  

Các yếu tố góp phần vào sự suy thoái của GM gồm có các hãng xe nước ngoài với chi phí sản xuất ít tốn kém hơn, khiến các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ gặp bất lợi lớn. 

Ngoài ra, các qui định về nhiên liệu mới của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ đã thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng các loại xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Khiến cho các nhà sản xuất sản xuất ô tô nhỏ chiếm một phần lớn thị phần của GM.  

Đồng thời, những dòng xe hạng sang nước ngoài như Mercedes và BMW dần trở nên phổ biến hơn, chiếm thị phần từ dòng xe Cadillac và Lincolns của GM.  

Cuối cùng với chi phí sản xuất tăng vọt, GM trong khoảng thời gian này đứng trên bờ vực phá sản.  

Ngày 1 tháng 6 năm 2009, General Motors đã đệ trình đơn phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chỉ 40 ngày sau đó, GM thoát khỏi việc phá sản nhờ vào chương trình phục hồi tổng thể được hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ.   

Tầm quan trọng của đánh giá qui mô hiệu quả tối thiểu

Dù không đi đến phá sản, nhưng thời kì đầy khó khăn của GM cho thấy một công ty sẽ thất bại như thế nào nếu không thể quản lí để duy trì một MES cân bằng. 

Một MES tốt bao gồm nhiều yếu tố và những yếu tố này liên tục thay đổi. Chúng phải được tính toán lại thường xuyên để phản ánh những thay đổi trong hoạt động. Doanh nghiệp cũng phải tiếp tục điều chỉnh mức sản xuất của mình để tiếp tục đạt được điểm MES.   

Khi đánh giá qui mô hiệu quả tối thiểu, điều quan trọng đối với một doanh nghiệp là phải theo kịp các thay đổi trong các biến số ngoại tác có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. 

Chúng có thể là chi phí lao động, chi phí lưu trữ và vận chuyển, chi phí vốn, tình hình cạnh tranh, thị hiếu và nhu cầu của khách hàng và các qui định của chính phủ.   

(Theo Investopedia)

Lê Thảo