|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp chập bản đồ (Overlay Method) trong ĐTM qui hoạch xây dựng là gì?

15:26 | 07/10/2019
Chia sẻ
Phương pháp chập bản đồ (Overlay Method) là một phương pháp trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong qui hoạch xây dựng.
143407baoxaydung_image001

Phương pháp chập bản đồ (Nguồn: VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI VIỆT NAM)

Phương pháp chập bản đồ (Overlay Method)

Phương pháp chập bản đồ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Overlay Method.

Phương pháp chập bản đồ là phương pháp đánh giá tác động môi trường trong qui hoạch xây dựng, trong đó dựa trên cơ sở của hệ thống thông tin địa lí (GIS) là công cụ quan trọng, có thể hỗ trợ tốt cho quá trình đánh giá, phân tích môi trường vùng và qui hoạch xây dựng. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)

Các loại bản đồ được chồng

Tùy thuộc vào qui mô, đặc điểm và tính chất công trình; yêu cầu của giai đoạn thiết kế; yêu cầu về ĐTM đối với dự án mà sử dụng các loại bản đồ khác nhau như sau:

- Bản đồ tổng hợp;

- Bản đồ địa hình, bản đồ hiện trạng các công trình kiến trúc và kĩ thuật;

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; bản đồ qui hoạch sử dụng đất;

- Bản đồ tài nguyên nước mặn, nước ngầm;

- Bản đồ khoáng sản;

- Bản đồ phân vùng theo độ nhạy cảm sinh học;

- Bản đồ phân vùng theo độ nhạy cảm vật lí;

- Bản đồ về các công trình văn hóa, di tích lịch sử. 

Nội dung phương pháp chập bản đồ 

Phương pháp chập bản đồ bao gồm việc vẽ bản đồ trên giấy trong suốt các thành phần môi trường, xã hội và kĩ thuật theo độ nhạy cảm và ghép theo đơn vị.

- Đơn vị sinh học: Chỗ ở của động vật, các khu bảo tồn động thực vật, các loại động thực vật quí hiếm bị đe dọa; hệ thảm thực vật như: rừng, công viên, cây xanh. Đối với qui hoạch xây dựng đô thị, các đơn vị sinh học bao gồm: vườn hoa, công viên, khu du lịch sinh thái, các hành lang hay vành đai cây xanh, khu vui chơi văn hóa thể thao, các dải cây xanh ven đường.

- Thủy văn: Hệ thống sông ngòi, ao, hồ, biển (diện tích mặt nước).

- Đơn vị xã hội: vùng đô thị; địa điểm du lịch; đất nông nghiệp; khi vực khai thác.

- Đơn vị kĩ thuật: Khu vực thường xuyên bị úng ngập, lụt lội, khu vực dễ bị xói mòn, khu vực có dòng bùn đá, lũ quét, cát chảy, hốc ngầm, mương sói, sạt lở, khu vực có sức chịu tải kém...

Người ta thường dùng các màu sắc khác nhau thể hiện đặc trưng cho mỗi đơn vị. Đồng thời, với các sắc độ của từng màu có độ đậm nhạt khác nhau để thể hiện cho độ nhạy cảm của từng đơn vị.

Việc chồng các lớp trong suốt các đơn vị môi trường cho phép chúng ta làm rõ các vùng có độ nhạy cảm khác nhau. Các vùng có độ nhạy cảm lớn cần phải tránh khi xây dựng và bố trí công trình. Ngược lại, các vùng có độ nhạy cảm yếu cho phép tiếp nhận dự án mà ít gây nhiễu loạn đến môi trường tiếp nhận.

Do vậy, phương pháp chập bản đồ giúp cho các thành phần kĩ thuật và thành phần môi trường được quan tâm hơn trong việc lập kế hoạch các dự án. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)

Khai Hoan Chu