|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phụ thuộc dược liệu từ Trung Quốc, song các hãng dược Ấn Độ khó xoay chuyển tình thế

14:47 | 23/05/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 khiến chính phủ Ấn Độ nhận ra rằng họ không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung dược liệu từ Trung Quốc, song họ không thể xoay chuyển tình hình nhanh chóng vì thiếu tiền.

Khi số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng ở Trung Quốc vào tháng 1, chính phủ ra lệnh phong tỏa cả nước. Các nhà máy sản xuất dược liệu trên khắp đất nước ngừng hoạt động, khiến các công ty dược phẩm Ấn Độ phải vật lộn để nhập nguyên liệu thô.

"Vì Trung Quốc phong tỏa, chúng tôi đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng", Vinay Pinto, giám đốc điều hành của hãng dược Wallace Pharma (Ấn Độ), phát biểu.

Ngay lập tức, Wallace Pharma và các hãng dược phải huy động mọi nhân sự cho việc mua dược liệu để đảm bảo họ sẽ có đủ nguyên liệu thô. Họ phải nỗ lực mua dược liệu các thương nhân địa phương với số lượng nhỏ và giá cao.

Một số công ty dược phẩm Ấn Độ thậm chí đã thuê máy bay tư nhân để vận chuyển dược liệu từ Trung Quốc.

Phụ thuộc dược liệu từ Trung Quốc, song các hãng dược Ấn Độ khó xoay chuyển tình thế - Ảnh 1.

Qui mô siêu lớn của các nhà máy dược liệu ở Trung Quốc giúp họ giảm chi phí ở mức tối đa. Ảnh: Fortune

Vào giữa tháng 3, Trung Quốc đã giảm mức độ phong tỏa, nhưng việc đóng biên giới toàn cầu do đại dịch đã gây ra nhiều vấn đề hậu cần đối với hoạt động vận chuyển xuyên quốc gia.

"Chúng tôi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu từ Trung Quốc", P. C Mishra, quan chức đứng đầu Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, xác nhận hồi cuối tháng 4. "Nếu chúng ta so sánh giữa tháng 3 năm 2020 và 2019, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 40%."

Jayasree Iyer, giám đốc điều hành của Access to Medicine Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các ngành công nghiệp dược phẩm, nói rằng các công ty dược phẩm còn lo sợ rằng họ không có đủ dược liệu dự trữ cho các hợp đồng tiếp theo.

Ấn Độ từng có ngành công nghiệp dược phẩm bán buôn và dược liệu hùng hậu, nhưng khi chính phủ bỏ các hạn chế nhập khẩu vào những năm 90, các nhà sản xuất thuốc gốc của họ bắt đầu lấy nguyên liệu từ Trung Quốc, nơi giá một số dược liệu có thể thấp hơn tới 30%, theo một báo cáo của CII-KPMG.

Bắc Kinh đã dành hàng loạt ưu đãi cho các công ty dược phẩm Trung Quốc để thiết lập các nhà máy dược liệu lớn. Qui mô khổng lồ của các nhà máy dược liệu giúp họ giảm chi phí.

Hiện tại, hơn 7.000 nhà sản xuất dược liệu đang hoạt động ở Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với con số khoảng 1.500 hãng dược liệu ở Ấn Độ, theo báo cáo của CII-KPMG. Báo cáo nhấn mạnh rằng, Ấn Độ chỉ có vài nhà sản xuất dược liệu lớn như Sun Pharma và Cipla.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành dược phẩm của Ấn Độ chịu ảnh hưởng bởi sự chững lại trong nguồn cung ở Trung Quốc.

Hồi Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra trong năm 2008, Trung Quốc đã đóng hầu hết nhà máy dược liệu trong gần ba tuần để giảm mức độ ô nhiễm không khí và đạt "mục tiêu bầu trời xanh", làm tăng chi phí của một số loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Sau đó, chính phủ Ấn Độ đã thử nghiệm ý tưởng xây dựng trung tâm dược liệu để sản xuất dược liệu với qui mô công nghiệp, nhưng dự án đình đốn do thiếu tiền. Sự thiếu hụt nguồn cung dược liệu gần đây có thể khiến chính phủ nghĩ lại.

Hôm 21/3, chính phủ Ấn Độ đã khôi phục dự án Trung tâm Dược liệu như là một phần của gói 1,3 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất thuốc và xuất khẩu dược liệu với số lượng lớn trong nước.

"Quyết định của chính phủ là bước rất cần thiết, nhưng chúng ta sẽ phải xem tiến trình thực hiện ở cấp bang. Trước đây, chúng tôi đã phải đối mặt với những thách thức to lớn về môi trường hoặc nguồn lực tài chính", tiến sĩ Kamal Vashi, Phó Chủ tịch của nhà sản xuất dược liệu Mangalam Drugs and Organics (Ấn Độ), phát biểu.

Cửu Dương