Sự bất lực của châu Âu trước chất thải của các nhà sản xuất dược phẩm
Sự liên quan giữa chất thải kháng sinh và sự gia tăng của hiện tượng nhờn kháng sinh được Ủy ban châu Âu công nhận vào năm 2001 nhưng từ đó đến nay, họ chẳng có bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn các hãng dược gây ô nhiễm môi trường.
Một nhóm nhà khoa học đã điều tra nguồn nước ô nhiễm ở thành phố Hyderabad, trung tâm của ngành sản xuất thuốc ở Ấn Độ, và phát hiện hàm lượng kháng sinh cao từ nhóm thuốc fluoroquinolone.
Tim Walsh, giáo sư vi sinh y học củai Đại học Cardiff, cho biết các thuốc fluoroquinolone chỉ có thể bị phân hủy bởi tia cực tím nên chúng có khả năng trở thành chất gây ô nhiễm môi trường.
“Nếu kháng sinh xâm nhập vào môi trường, hàng tỉ vi khuẩn sẽ tiếp xúc với chúng. Các vi khuẩn sẽ biến đổi và tách DNA và trở nên nhờn kháng sinh. Vì thế, khi chúng xâm nhập vào cơ thể người, chúng đã trở thành một quần thể vi khuẩn kháng thuốc", ông giải thích.
Vị giáo sư nói rằng giới khoa học chưa có nghiên cứu có hệ thống về mức độ ô nhiễm từ các nhà máy kháng sinh. Nhưng ông nói rằng khả năng ô nhiễm môi trường đã ở mức cao.
Một nghiên cứu gần đây về nỗ lực của các hãng dược khi giải quyết vấn đề kháng kháng sinh phát hiện trong 18 công ty chỉ có 8 công ty tuân thủ giới hạn rác thải ra môi trường.
4 công ty cho biết họ cũng yêu cầu các nhà cung cấp hoạt chất và các sản phẩm thuốc tuân thủ các giới hạn tương tự.
Trong hội nghị, các nghị sĩ EU hưởng ứng đề xuất của giáo sư Dame Sally Davies, giám đốc y tế của Anh, về việc thống kê các ca tử vong do kháng kháng sinh.
Pavel Poc, một nghị sĩ từ Cộng hòa Czech và phó chủ tịch Ủy ban Môi trường, Sức khỏe cộng đồng và An toàn thực phẩm thuộc Nghị viện châu Âu, phát biểu: “Biện pháp này không những làm tăng nhận thức công chúng về sự nghiêm trọng của vấn đề mà còn cho phép thu thập dữ liệu chính xác về các ca tử vong do nhờn kháng sinh".