|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dược Bảo Châu kinh doanh ra sao trước khi Chủ tịch bị bắt?

07:00 | 26/08/2024
Chia sẻ
Dược Bảo Châu từng nhiều lần ôm mộng niêm yết trên HOSE nhưng bất thành. Công ty này báo lỗ lần đầu vào năm 2023 khi 'trắng' doanh thu vào quý cuối cùng của năm.

Ngày 23/8, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn dược Bảo Châu, có trụ sở tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang về hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Bà Hương bị cáo buộc lợi dụng các quy định của Nhà nước về điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai tự nộp thuế, tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn để thành lập nhiều "công ty ma".

Các công ty này thiết lập hợp đồng kinh tế không có thật, phát hành hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp để hợp thức nguyên liệu, hàng hoá đầu vào, đầu ra và hưởng khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho CTCP Tập đoàn dược Bảo Châu; tăng giá trị kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục đích đáp ứng điều kiện tham gia thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu để huy động vốn của các nhà đầu tư.

Trong hai năm 2022, 2023, Tập đoàn dược Bảo Châu đã lập khống các hợp đồng kinh tế, phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử bất hợp pháp với tổng số tiền ghi trên 367 tỷ đồng.

 Bị cáo Nguyễn Lan Hương. (Nguồn: Công an Hà Giang).

Quá trình tăng vốn thần tốc

Dược Bảo Châu được thành lập vào năm 2014, tiền thân là CTCP Xuất nhập khẩu Dược Bảo Châu. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Bên cạnh đó, công ty còn trồng cây gia vị, dược liệu, sản xuất và buôn bán đồ uống.

Năm 2018, công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu và tiến hành tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, bà Trần Mỹ Hạnh nắm 38,82% vốn, bà Nguyễn Lan Hương nắm 8,63% vốn, ông Trần Tuấn Khanh nắm 5% vốn. Đến tháng 9/2022, Dược Bảo Châu tiếp tục nâng vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên 215 tỷ đồng.

 (Nguồn: Lâm Anh tổng hợp; Đồ họa: Lâm Anh).

Thông tin từ báo cáo thường niên 2020, Dược Bảo Châu hiện vận hành một tổ hợp nhà máy sản xuất chính tại thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với diện tích đất sử dụng gần 15.900 m2.

Nhà máy gồm các hạng mục như: Nhà máy sản xuất nước ép hoa quả; Nhà máy sản xuất sơ chế dược liệu; Nhà máy sản xuất mỹ phẩm; Văn phòng làm việc. Tổ hợp nhà máy sản xuất được kỳ vọng trở thành hoạt động chủ lực, mang lại nguồn thu ổn định lâu dài cho công ty.

Từ nhà máy trên, Dược Bảo Châu đã sản xuất nhiều sản phẩm mang lại tên tuổi cho công ty như nước Cam Sành Hà Giang Cassan, nước táo mèo JYM, trà giảo cổ lam DBC, nước uống tăng lực Gà trống vàng, trà xanh Shan Tuyết Supi…

Các thương hiệu thực phẩm chức năng có Nữ Xuân Thảo (cân bằng nội tiết tố nữ), Thông Dương Thảo (bổ thận nam), Thông Thanh Thảo (siro trị ho), Thông Phế Thảo (viên uống trị ho, hen)…

 Một số sản phẩm nước giải khát của Dược Bảo Châu. (Nguồn: Dược Bảo Châu).

Giấc mơ niêm yết trên HOSE còn dang dở

Tháng 3/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Dược Bảo Châu. Công ty đăng ký niêm yết 21,5 triệu cổ phiếu với mã giao dịch BCH, tương ứng vốn điều lệ 215 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, Dược Bảo Châu xin rút hồ sơ với lý do tình hình thị trường chứng khoán chưa phù hợp để niêm yết cổ phiếu, đồng thời cần thêm thời gian để rà soát và kiện toàn hồ sơ theo yêu cầu.

Tháng 9/2022, Dược Bảo Châu từng nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE. Song, đến tháng 12/2022, HOSE thông báo dừng xem xét hồ sơ do sau gần ba tháng đăng ký, vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh theo yêu cầu. 

Trong quá khứ, Dược Bảo Châu từng bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xử phạt vì đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN nhưng chưa đưa chứng khoán vào niêm yết, giao dịch theo quy định.

Theo thống kê, giai đoạn 2018 – 2019, lợi nhuận của Dược Bảo Châu liên tục tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2019 với hơn 70 tỷ đồng. Sau đó, lợi nhuận của công ty bắt đầu “đi xuống”, thậm chí năm 2023 báo lỗ 49 tỷ đồng.

Trong hai năm 2021 và 2022, doanh thu của công ty dược này được cải thiện nhưng lợi nhuận vẫn suy giảm. Nguyên nhân là do các chi phí hoạt động như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Bên cạnh áp lực chi phí lớn, một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Dược Bảo Châu ảm đạm trong năm 2023 là doanh thu giảm mạnh, đặc biệt vào quý cuối cùng của năm công ty “trắng” doanh thu. Dược Bảo Châu cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu và tại Việt Nam, cùng với thị trường cạnh tranh khốc liệt khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh như vậy.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Dược Bảo Châu ghi nhận 647 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 266 triệu đồng tiền, tiền gửi ngân hàng, giảm mạnh so với con số 2,7 tỷ đồng vào đầu năm.

Nợ phải của công ty khoảng 271 tỷ đồng, dư nợ vay tài chính chiếm khoảng 220 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 376 tỷ đồng, trong đó còn 157 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Lâm Anh