Vì sao nhiều doanh nghiệp ngành dược hụt hơi trong quý II?
Theo thống kê, có 4/10 doanh nghiệp ngành dược trên sàn chứng khoán có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, hai doanh nghiệp báo lỗ trong quý II. Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thuốc lớn như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Bidiphar đều suy giảm so với quý II/2023.
Gánh nặng chi phí đầu vào
CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) - doanh nghiệp ngành dược lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.106 tỷ đồng trong quý II, giảm 4% so với cùng kỳ do sức mua giảm. Biên lãi gộp giảm từ 48,7% xuống 45%.
Lãi sau thuế của Dược Hậu Giang giảm 27% xuống 192 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi quý thấp nhất trong vòng ba quý của công ty.
Tính đến tháng 5, kênh OTC (bán lẻ ở tiệm thuốc) vẫn là nguồn thu chủ lực của Dược Hậu Giang, trong khi doanh thu kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) chiếm khoảng 11%. Theo Chứng khoán Agribank, việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan – GMP trong thời gian tới (dự kiến vận hành từ quý IV) sẽ giúp công ty gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC.
Kỳ này, doanh thu CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đạt 517 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Song, biên lợi nhuận gộp đạt 38,8%, suy giảm so với mức 43,9% của quý II/2023 khi tốc độ tăng giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng doanh thu.
Kết quả, Imexpharm báo lãi sau thuế giảm 17% xuống 66 tỷ đồng khi giá vốn hàng bán tăng trong kỳ, một phần do công ty chủ động điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp với bối cảnh thị trường OTC trầm lắng. Ngoài ra còn bởi khấu hao nhà máy IMP4 theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, tình hình kinh doanh của Imexpharm sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới. Vì nửa cuối năm là điểm rơi doanh thu cho các công ty dược phẩm bởi nhu cầu khám chữa bệnh tăng khi giao mùa và các kênh phân phối đẩy mạnh nhập hàng nhằm hưởng chính sách chiết khấu. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận cũng được cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm bởi chi phí khấu hao không còn nền thấp của cùng kỳ.
CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 5% lên 433 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 3% xuống 72 tỷ đồng do chi phí trong kỳ tăng cao và hụt thu phần lợi nhuận từ công ty liên kết.
CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) báo lãi sau thuế giảm 31% xuống 18 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu của công ty giảm sút, đạt gần 494 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do phát sinh chi phí vận hành liên quan đến nhà máy mới CNC Hataphar.
Nhờ việc cơ cấu danh mục sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm chiến lược, triển khai các chính sách bán hàng mới, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã: DMC) báo lãi tăng trưởng 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 52 tỷ đồng.
Tương tự, một số doanh nghiệp ngành dược cũng có lợi nhuận tăng trưởng trong quý II như CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC), CTCP Dược phẩm Agimexpharm (Mã: AGP)…
Dù có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) vẫn báo lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu đầu vào và các chi phí tăng cao.
Kênh ETC là động lực tăng trưởng
Theo IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2027. Sau giai đoạn biến động mạnh do dịch COVID-19 gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024. Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên. Theo Tổng cục thống kê, số người Việt Nam trên 60 tuổi dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.
Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Trong môi trường chính sách thuận lợi, VDSC cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024. Mặc dù giá trị trúng thầu trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 10.500 tỷ đồng do mức nền cao của cùng kỳ, tuy nhiên sự sụt giảm chủ yếu đến từ thuốc biệt dược gốc với giá trị là 671 tỷ đồng, vốn là nhóm thuốc được nhập khẩu từ nước ngoài.
Dựa vào chính sách ưu tiên sử dụng thuốc generic thay vì biệt dược gốc nhằm giảm giá thành, giảm gánh nặng kinh tế cho quỹ bảo hiểm y tế, giá trị trúng thầu tại các nhóm từ 2 – 4 đạt 6.000 tỷ đồng với tỷ trọng thuốc nội địa lên tới 88%. Theo đơn vị phân tích, đây được xem như chỉ báo sớm về xu hướng tăng trưởng của các công ty dược nội địa.
Mặt khác, đơn vị phân tích chỉ ra, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% so với cùng kỳ nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống. Cùng với đó là thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.