Biên lợi nhuận của Imexpharm thu hẹp trong quý II
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cho thấy doanh thu thuần đạt 517 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp đạt 38,8%, suy giảm so với mức gần 43,9% của quý II năm ngoái khi tốc độ tăng giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng doanh thu.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng gia tăng. Kết quả, Imexpharm báo lãi sau thuế 66 tỷ, giảm 17% so với quý II/2023.
Luỹ kế nửa đầu năm nay, Imexpharm ghi nhận doanh thu tăng 10% lên 1.008 tỷ so với nửa đầu năm ngoái song lãi sau thuế giảm 19% còn 128 tỷ.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 2.365 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kỷ lục 423 tỷ. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp dược này đã thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp thông tin, doanh thu bán hàng trên kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) trong nửa đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ. Doanh thu từ kênh OTC (kênh bán lẻ, không kê đơn) giảm 4% nhưng công ty đã ghi nhận những kết quả khi đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc. Doanh thu bán hàng qua kênh chuỗi tăng 141% so với nửa đầu năm ngoái.
Imexpharm giải trình giá vốn hàng bán tăng trong kỳ một phần do công ty chủ động điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp với bối cảnh thị trường OTC trầm lắng. Ngoài ra còn bởi khấu hao nhà máy IMP4 theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất.
Năm 2023, doanh thu từ kênh OTC của Imexpharm chiếm 51% doanh thu, kênh ETC chiếm 42%. Còn lại đến từ nguồn thu khác (nhượng quyền, xuất khẩu, CMO, hàng cắt lô đối tác).
Imexpharm nhìn nhận cơ hội cho các công ty dược Việt Nam tiếp tục gia tăng nhờ các chính sách mới của Chính phủ nhằm ưu tiên cho các nhà sản xuất nội địa. Cụ thể, tháng 2/2024, Chính phủ đã công bố Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam. Với kế hoạch này, năng lực sản xuất nội địa được kỳ vọng sẽ đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm trong nước và chiếm 70% giá trị toàn thị trường vào năm 2030.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành 4 Thông tư quan trọng (TT03, 04, 05, 07) trong nửa đầu năm nhằm tháo gỡ tối đa các khó khăn trong quá trình mua sắm và đấu thầu các loại thuốc và vật tư y tế. Imexpharm kỳ vọng rằng những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cơ hội cho thị trường dược phẩm Việt Nam trong dài hạn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông tin để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc ở phân khúc giá trị cao, Imexpharm đã tăng sản lượng tại các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP là IMP2, IMP3 và IMP4, đồng thời điều chỉnh giảm sản lượng IMP1 để phù hợp với tình hình thị trường OTC.
Công ty đã lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường thuốc tiêm chất lượng cao, một loại thuốc khó sản xuất thông qua kế hoạch mở rộng nhà máy IMP4. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng và mở rộng hệ thống nhà máy tổng thể. Điều này sẽ giúp Imexpharm gia tăng năng lực sản xuất của IMP4 một cách nhanh chóng trong 2-3 năm tới.
Về biến động giá cổ phiếu, sau khi lập đỉnh lịch sử ở mốc 93.400 đồng/cp ngày 16/7, cổ phiếu IMP đã có ba phiên điều chỉnh liên tiếp về còn 81.400 đồng/cp chốt phiên 19/7. Vốn hoá thị trường gần 5.700 tỷ.