|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dược chạy đua mở rộng công suất

14:44 | 02/10/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp ngành dược đang dốc sức đầu tư, xây dựng các nhà máy mới theo tiêu chuẩn EU–GMP để gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện).

Sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP đang là lợi thế cạnh tranh của các công ty ngành dược trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và các cơ sở y tế, nhất là phân khúc thuốc chất lượng cao nhóm 1 và nhóm 2.

Gần đây, nhiều công ty dược nội địa còn được hưởng lợi từ chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện của Bộ Y tế qua Thông tư 03 & 07. 

Hiện tại, một số nhà sản xuất thuốc lớn như Imexpharm, Dược Hậu Giang... đã bắt đầu tận dụng được lợi thế của các thông tư thì một số đơn vị vẫn đang chờ được cấp chứng nhận EU GMP.

Imexpharm

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) mới đây đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, công ty muốn xin ý kiến cổ đông về việc triển khai dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh quy mô 25.000 m2 tại Đồng Tháp. Tiêu chuẩn nhà máy là EU-GMP, công suất thiết kế dự kiến là 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. 

Dự án này do Imexpharm làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, trong đó 80% vốn tương đương 1.195 tỷ đồng là vốn vay. Thời gian khởi công dự kiến vào quý III/2025, hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2028 và đưa vào vận hành từ tháng 12/2028 đến quý I/2030.

Để có nguồn lực thực hiện dự án mới, HĐQT Imexpharm cũng thông qua việc thanh lý cổ phiếu/cổ phần đầu tư tại CTCP Dược Phẩm TV Vidipha (Mã: VDP), CTP Dược Phẩm TW25 (Mã: UPH), CTCP Dược phẩm Mephydica (bên liên kết). Đồng thời, công ty sẽ thanh lý một số bất động sản không còn sử dụng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 đến năm 2025.

Imexpharm hiện có 4 cụm nhà máy sản xuất, trong đó 1 cụm nhà máy đạt chuẩn WHO và 3 cụm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất của 4 cụm nhà máy đạt hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm. Như vậy, khi dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh hoàn thành sẽ đóng góp lớn về sản lượng và doanh thu cho công ty.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của IMP.

Trong báo cáo hồi tháng 8, Chứng khoán SSI cho rằng, trong dài hạn, Imexpharm đã công bố sẽ hợp tác với công ty Hàn Quốc SK Plasma và Genuone Sciences để sản xuất những danh mục thuốc mới (ngoài danh mục thuốc kháng sinh), như thuốc tim mạch và tiểu đường. Những loại thuốc mới này có khả năng sẽ được sản xuất tại nhà máy IMP5, một dự án hiện công ty đang lên kế hoạch khả thi.

Dược Hậu Giang

Một doanh nghiệp khác trong ngành dược là CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó. Nhà máy dự kiến vận hành từ quý IV năm nay.

Bên cạnh đó, công ty đang nâng cấp các dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU–GMP, dự kiến hoàn thiện trong năm 2025. Việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan – GMP hay EU–GMP sẽ giúp công ty gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện). Khi hiện nay doanh thu kênh ETC của công ty đang chiếm khoảng 11% và có xu hướng gia tăng.

Điều này từng được lãnh đạo Dược Hậu Giang nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 khi cho rằng, công ty sẽ tăng khả năng trúng thầu và tăng doanh thu kênh bệnh viện khi nâng cấp các nhà máy lên các tiêu chuẩn cao. Hơn nữa, quá trình này cũng thể hiện được mục tiêu vươn tầm quốc tế của công ty, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

Bidiphar

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) thông tin CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) cho biết dây chuyền thuốc tiêm thuộc nhà máy ung thư Nhơn Hội (Khu kinh tế Nhơn Hội – Bình Định) đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp lên chuẩn EU-GMP.

Nhà máy thuốc tiêm vô trùng thể tích nhỏ đã hoàn thành 100% phần xây dựng cho tòa nhà sản xuất chính và hoàn thiện 1/3 tòa nhà QA & QC. Nhà máy đang đấu thầu máy móc thiết bị phù hợp với chuẩn EU- GMP và các chuyên gia đang thực hiện công tác kiểm nghiệm máy móc chính.

Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.

Kế hoạch nâng cấp, xây dựng các nhà máy đang đi đúng lộ trình phát triển của Bidiphar đến năm 2030 là đạt tiêu chuẩn EU-GMP cho 3 dây chuyền, bao gồm thuốc ung thư, thuốc tiêm vô trùng thể tích nhỏ, và thuốc viên non-betalactam.

Bên cạnh đó là hoàn thành vận hành nhà máy sản xuất thuốc ung thư trước năm 2027, nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo EU-GMP trước 2028, đầu tư mới Trung tâm nghiên cứu – phát triển, trung tâm QA & QC trước năm 2028, đầu tư nhà máy thuốc OSD non-betalactam trước năm 2029.

Dược Hà Tây

CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) đang triển khai, đầu tư Dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược (thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường) với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm.

Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ tiến hành thẩm định WHO-GMP trong quý II/2024, thẩm định Japan-GMP trong quý I/2025 và dự kiến sản xuất thương mại vào năm 2026.

Theo lãnh đạo Dược phẩm Hà Tây, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho công ty, tăng khoảng 50% so với trước đó.

Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, Dược Hà Tây có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu từ kênh ETC còn nhiều tiềm năng.

Lâm Anh