Mô hình kinh doanh dược phẩm phải thay đổi để thuốc trị 2019-nCoV có thể đến với người dân dễ dàng
Những thử nghiệm sớm đối với thuốc trị 2019-nCoV đang bắt đầu diễn ra. Trung Quốc đang thử nghiệm thuốc Remdesivir của hãng Gilead. Ngay lập tức, cổ phiếu của Gilead tăng 13%, theo CNBC.
Bài học đối với thuốc trị HIV
Các chuyên gia cũng phát hiện một nhóm hợp chất khác, vốn dành cho việc điều trị HIV, cũng có thể phát huy tác dụng. Nhưng còn quá sớm để kết luận liệu một thuốc nào trong các thử nghiệm lâm sàng có thể điều trị 2019-nCoV một cách hiệu quả hay không.
Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các hãng dược nên nghĩ về cách sản xuất thuốc với giá phải chăng và có thể phân phối cho số lượng người lớn nếu thực sự một thuốc có thể điều trị 2019-nCoV.
Giới chuyên môn hẳn vẫn chưa quên tình trạng trì trệ trong việc đưa thuốc điều trị HIV tới người dân. Trong thập niên 80, chính phủ và các tổ chức đã tăng tốc nghiên cứu thuốc chống HIV.
Nỗ lực ấy biến HIV từ "án tử hình" thành bệnh mãn tính ở những nước có thu nhập cao, nơi người dân có thể chi trả mức chi phí 15.000 tới 20.000 USD mỗi người một năm. Ngược lại, hàng triệu người nhiễm HIV/AIDS ở các nước đang phát triển chết dần.
Với bằng sáng chế trong tay, các hãng dược chỉ quan tâm tới việc bảo vệ sự độc quyền thị trường, khiến các phiên bản thuốc gốc giá rẻ không thể vào thị trường. Chỉ đến khi các chiến dịch hành động cấp độ toàn cầu diễn ra, tình hình mới thay đổi.
Ngày nay, các hãng dược có quyền sản xuất thuốc trị HIV theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới đối với chương trình Medicines Patent Pool của Liên Hợp Quốc. Chương trình cho phép các nhà sản xuất có đủ điều kiện có thể sản xuất thuốc chống HIV giá rẻ.
Với chương trình Medicines Patent Pool, các hãng dược đã đáp ứng nhu cầu của 90% bệnh nhân HIV ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chi phí cho điều trị lần đầu giảm xuống mức 75 USD mỗi năm.
Đây là tin tốt, nhưng lẽ ra nó nên diễn ra sớm hơn. Chúng ta nên nhớ bài học này đối với thuốc trị 2019-nCoV. Chương trình Medicines Patent Pool cũng sẵn sàng đảm nhận vai trò tương tự đối với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Khiếm khuyết trong hệ thống kinh doanh dược hiện nay
"Hệ thống hiện nay đang vô tác dụng. Bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ là trụ cột duy nhất của mô hình mà chúng ta đang có. Các nhà sản xuất có thể bán sản phẩm với mức giá họ muốn. Tình hình đó không thể tiếp diễn trong tương lai. Chúng ta cần tạo ra một mô hình kinh doanh khác", Bộ trưởng Y tế Hà Lan từng bình luận như vậy khi công bố báo cáo của Ủy ban Lancet về các loại thuốc thiết yếu trong năm 2017.
Thế giới hầu như vẫn giậm chân tại chỗ trong nỗ lực thiết kế và thử nghiệm những mô hình mới hoạt động chế thuốc. Để những mô hình ấy ra đời, các chính phủ phải giải phóng những nguồn lực mà họ đang dành cho mô hình bán thuốc với giá cao nhờ vị thế độc quyền.
Khủng hoảng y tế tiếp theo đang xảy ra. Bệnh nhân và công chúng lại nghe thông tin rằng mô hình sáng chế dược phẩm hiện nay không phát huy tác dụng. Các hãng dược lập luận rằng họ cần thêm ưu đãi.
"Vậy ngành đang hưởng mức doanh thu hàng nghìn tỉ USD này còn cần gì nữa để thực hiện trách nhiệm xã hội của họ?", tạp chí Barron's đặt câu hỏi.
Trước tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do chủng virus corona mới gây ra, các chính phủ, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, tổ chức phi chính phủ nên nhất trí với một "qui ước xã hội" mới, theo đó ngành dược phải thừa nhận họ không thể giữ thế độc quyền đối với thuốc.
Nếu ngân sách công dành cho phát triển thuốc và vaccine mới tăng, giá thuốc phải gần chi phí sản xuất cận biên. Các chính phủ cũng cần kiểm soát ngành dược, đồng thời đầu tư cho một hệ thống y tế hiệu quả để ngăn chặn bệnh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Khi ấy, thị trường dược sẽ tự điều chỉnh các khiếm khuyết của nó.