|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KQKD công ty dược phân hoá, có đơn vị vượt kế hoạch năm sau 9 tháng

14:30 | 17/10/2023
Chia sẻ
Cập nhật đến ngày 17/10, có 5 doanh nghiệp ngành dược đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, trong đó, 3/5 đơn vị có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm. Quan sát cho thấy biên lợi nhuận của Dược phẩm Trung ương 3, Dược phẩm Dược liệu Pharmedic, Dược phẩm Agimexpharm vẫn duy trì ở mức cao.

 

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Trong 5 đơn vị đã công bố báo cáo tài chính quý III, Dược Hà Tây (Mã: DHT) dẫn đầu về quy mô doanh thu. Doanh thu thuần CTCP Dược Hà Tây (Mã: DHT) đạt 479 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm 2% xuống 432 tỷ đồng, chiếm 90% doanh thu. Lợi nhuận gộp đạt 47 tỷ đồng, cùng kỳ là 51 tỷ đồng.

Chi phí tài chính, bán hàng đều được tiết giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với quý III/2023. Kết quả, lợi nhuận sau thuế Dược Hà Tây đạt gần 19 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm nay, doanh thu công ty đạt 1.525 tỷ đồng tăng 17%, lãi trước thuế 90 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty đã thực hiện 95% kế hoạch doanh thu năm (1.600 tỷ đồng) và vượt 13% chỉ tiêu lợi nhuận năm (80 tỷ đồng).

Cùng chiều, CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (Mã: VDP) ghi nhận 214 tỷ đồng doanh thu trong quý III, giảm 15% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp lãi gộp đạt 28%, tương đương so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí tài chính và bán hàng suy giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng. Kết quả là Vidipha báo lãi sau thuế 12 tỷ đồng, giảm 25% so với quý III/2022.

Sua ba quý đầu năm nay, Dược phẩm Trung ương Vidipha thu về 732 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 59 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trong quý III/2023, doanh thu của CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3) cũng báo giảm 16% so với cùng kỳ, ghi nhận 91 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng giảm 18% xuống 27 tỷ đồng. Hệ quả là biên lãi gộp của công ty tăng 3 điểm %, đạt 71%.

Việc cắt giảm các chi phí giúp lợi nhuận sau thuế của Dược Phẩm Trung Ương 3 tăng 19% so với quý III năm ngoái, đạt gần 19 tỷ đồng. Tổng hợp 9 tháng kinh doanh, doanh thu công ty đạt 312 tỷ đồng giảm 13%, lợi nhuận sau thuế gần 75 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm đặt ra, công ty thực hiện lần lượt 69%, 85% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Đối lập với ba doanh nghiệp trên, CTCP Dược phẩm Agimexpharm (Mã: AGP) cho biết trong quý III/2023, doanh thu công ty đạt 176 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Song, giá vốn tăng 12% lên 124 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đi xuống, còn 52 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ).

Trừ hết chi phí, Agimexpharm báo lãi sau thuế 11 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Lý giải nguyên nhân, công ty cho rằng do suy thoái kinh tế dẫn đến đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe, người dân chuyển khám chữa bệnh bên ngoài sang các bệnh viện. Bên cạnh đó là giá mua nguyên vật liệu sản xuất tăng cao.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 521 tỷ đồng tăng 9%, lãi sau thuế đạt 34 tỷ đồng, giảm 3%. So với mục tiêu năm đặt ra, Agimexpharm cùng thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Cuối quý III/2023, hàng tồn kho của công ty tăng 8% lên 293 tỷ đồng. 

Công ty duy nhất tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong quý vừa qua là CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC). Trong quý III/2023, doanh thu công ty đạt 146 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng gần 99 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ khiến lãi gộp giảm 2%. Các chi phí cũng đi lên khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 21 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng,Dược phẩm Dược liệu Pharmedic lãi ròng 59 tỷ đồng, giảm 2%. So với kế hoạch đặt ra, công ty thực hiện 77% mục tiêu lợi nhuận.

Về quy mô tải sản, tính đến cuối tháng 9, công ty có 329 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 64% tổng tài sản (513 tỷ đồng). Hàng tồn kho giảm 17% xuống 87 tỷ đồng. Pharmedic nói không với vay nợ.

Lâm Anh