|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chi phí ngầm và tác dụng phụ: Hai thứ không ai thấy trong cỗ máy tiếp thị dược phẩm

00:10 | 23/09/2019
Chia sẻ
Những tác dụng phụ và chi phí ngầm là những thứ mà các hãng dược không công bố trong các quảng cáo về dược phẩm và thiết bị y tế trên tivi, đài phát thanh và mạng xã hội.

Thuyết phục công chúng rằng họ có bệnh và cần thuốc là ngành có giá trị hàng tỉ USD. Chỉ riêng trong năm 2015, ngành dược ở Mỹ đã chi 5,4 tỉ USD vào quảng cáo trực tiếp - một con số kỉ lục - tới người tiêu dùng (DTC).

Khoản đầu tư ấy mang lại kết quả lớn cho các hãng dược, bởi trong cùng năm đó, người Mỹ chi 457 tỉ USD - cũng là một con số kỉ lục - cho thuốc theo đơn. 

Mỹ và New Zealand là hai nước duy nhất công nhận sự hợp pháp của quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng. Dân Mỹ cũng chi cho thuốc và thiết bị y tế nhiều hơn mọi quốc gia trên thế giới.

tien va thuoc

Ngành dược ở Mỹ đã chi vài tỉ USD để quảng cáo trực tiếp thuốc tới người tiêu dùng. Ảnh: engadget.com

Nielsen tiết lộ tần suất của DTC trên tivi xuất hiện với tần suất 80 quảng cáo trong mỗi giờ. Chi phí ngầm và những tác dụng phụ đáng sợ là những thứ mà các hãng dược không công bố trong các quảng cáo về dược phẩm và thiết bị y tế trên tivi, đài phát thanh và mạng xã hội. Những người phản đối cho rằng DTC làm tăng giá thuốc và xói mòn quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Trong bối cảnh giá thuốc tăng vọt, các chính trị gia và giới cung cấp dịch vụ y tế đặt dấu hỏi về chi phí dành cho DTC. Họ biết chi phí quảng cáo của ngành dược đang lớn hơn ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển thuốc mới.

Bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ và ứng cử viên tổng thống Mỹ trong năm 2016, từng kêu gọi chấm dứt ưu đãi thuế và siết chặt quy định đối với quảng cáo thuốc.

Nhưng số tiền dành cho DTC chỉ là một phần nhỏ trong cỗ máy tiếp thị của ngành dược. Các doanh nghiệp chi hàng tỉ USD để thuyết phục các bác sĩ kê đơn những loại thuốc hoặc thiết bị y tế mà Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê chuẩn. Người ta gọi chiêu trò ấy là kê đơn ngoài hướng dẫn.

Mặt tối của tiếp thị dược phẩm bao gồm việc tạo ra các thử nghiệm lâm sàng để tác động tới bác sĩ và các chương trình đào tạo để quảng bá những loại thuốc đắt nhưng FDA chưa cho phép sử dụng để chữa bệnh, trong khi họ không có bằng chứng khoa học về an toàn và hiệu quả của thuốc.

Ngành dược đã chi vài tỉ USD để dàn xếp các vụ kiện hình sự và dân sự trong nhiều năm vì những gian lận trong tiếp thị khiến những người nộp thuế tổn thất hàng tỉ USD và gây nên hậu quả tai hại cho nhiều người khác.

Chẳng hạn, Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc hãng Johnson & Johnson chi hàng tỉ USD để khuyến khích người già và trẻ em dùng những loại thuốc mới mà FDA chưa cấp phép.

Những người ủng hộ các hãng dược lập luận DTC cung cấp kiến thức cho công chúng và giúp họ có lựa chọn chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn, đồng thời luật cũng bảo vệ họ. Các bác sĩ và những người chỉ trích khẳng định mục đích chính của các tập đoàn dược là bán thuốc đắt nhưng có thể có nhiều tác dụng phụ.

Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hiệp hội Các nhà dược phẩm Hệ thống Y tế kêu gọi chính phủ cấm DTC, gây nên tranh cãi về hoạt động tiếp thị trong ngành dược. Nhưng sự thật phía sau các thủ thuật của những hãng dược lớn cho thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Luân Thường