Nhiều doanh nghiệp dược phẩm tiếp tục 'ăn nên làm ra' trong quý IV/2022, năm 2023 còn giữ được phong độ?
Theo SSI Reasearch, nhiều doanh nghiệp ngành dược ghi nhận tín hiệu tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2021 dù phải đối mặt với nhiều thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến dịch chống tham nhũng trong ngành.
Nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI - tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính có trụ sở tại London, Anh) chỉ ra, 2022 là năm chứng kiến sự phục hồi mạnh trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe ở Việt nam. Doanh thu ngành chăm sóc sức khỏe tăng 25% so với năm 2021, đạt 155 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD), cao hơn mức trước COVID-19 (doanh thu năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD).
Bức tranh lợi nhuận phân hoá quý IV, tăng trưởng vẫn áp đảo
Theo thống kê, 9/12 doanh nghiệp trên sàn đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 7/12 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, hai công ty có lợi nhuận đi lùi và hai doanh nghiệp báo lỗ quý IV/2022.
Theo BCTC của CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), trong quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 1.330 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, công ty cho biết đã chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường khiến Dược Hậu Giang lãi sau thuế 236 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 4.676 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 988 tỷ dồng, lần lượt tăng 17% và 27% so với năm 2021. Đây cũng là mốc doanh thu và lợi nhuận kỷ lục từ trước đến nay. Với kết quả trên, Dược Hậu Giang đã vượt 11% mục tiêu doanh thu và vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.
Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành là CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) có doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ lên 557 tỷ đồng. Lãi sau thuế gần 79 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và là kết quả theo quý cao nhất lịch sử.
Imexpharm cho biết, nhu cầu người dân phục hồi sau dịch, cộng với các hoạt động mở rộng thị trường đã giúp công ty báo lãi tăng trưởng sau thuế. Cả năm 2022, Imexpharm đạt 1.644 tỷ đồng doanh thu thuần, 234 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với lợi nhuận trước thuế đạt 302 tỷ đồng, công ty vượt 13% kế hoạch doanh thu, vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong quý IV/2022, CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (Mã: VMD) ghi nhận 1.613 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng trong khi quý IV/2021 lỗ 8 tỷ đồng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính cải thiện và các chi phí như bán hàng, tài chính, quản lý doanh nghiệp được tiết giảm. Năm 2022, công ty lãi 36 tỷ đồng tăng 71% so với năm trước.
Trái ngược với bức tranh kinh doanh của các đơn vị trên, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Mã: DVN) và CTCP Traphaco (Mã: TRA) có doanh thu quý IV/2022 tăng lần lượt 52%, 2% nhưng lợi nhuận giảm tương ứng 22%, 38% so với cùng kỳ vì gánh nặng các chi phí. Song, lợi nhuận cả năm 2022 của Traphaco tăng 11% lên 293 tỷ đồng còn Dược Việt Nam giảm 48% xuống 113 tỷ đồng.
Trong khi đó, ba công ty có doanh thu và lợi nhuận cùng chiều tăng trưởng trong quý IV/2022 và cả năm 2022 là CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT), CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP), CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD).
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Mekophar tăng trưởng đáng kinh ngạc ở ba con số như quý IV/2022 tăng 300% (16 tỷ đồng), cả năm 2022 tăng 163% (42 tỷ đồng). Theo tìm hiểu, tháng 2/2022, Bộ Y tế cấp phép cho công ty lưu hành Movinavir hàm lượng 200 mg, thuốc điều trị COVID-19. Đây được xem là tín hiệu tích cực sau nhiều năm mất phong độ.
Riêng CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã: DP2) và CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar - Mã: LDP) tiếp tục lỗ so với quý IV/2021. Trong đó, Ladophar lỗ sau thuế 12 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 59 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ nguồn thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh (quý IV/2022 ghi nhận 491 triệu đồng trong khi cùng kỳ là 31 tỷ đồng) và các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng đều tăng.
Cuối năm 2021, Ladophar chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Công ty này đặt mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục cho năm 2022. Đến tháng 4/2022, sau vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, cùng lúc tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu thua lỗ.
Tháng 8, Ladophar đã xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu giảm từ 600 tỷ đồng xuống 227 tỷ đồng, giảm mục tiêu lãi trước thuế 21,2 tỷ đồng thành lỗ 23 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu năm.
Ngành dược có "ấm" lên trong năm 2023?
Sang năm 2023, SSI Research dự báo, tăng trưởng của ngành dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Trong đó, doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.
Công ty chứng khoán cho rằng, bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là Traphaco).
Ngoài ra, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty có mã DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1).
Thêm vào đó, các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.
Theo SSI Reasearch, tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến sẽ được cải thiện từ quý II/2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu đã nêu trên. Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) sẽ dễ thở hơn.
VDSC chỉ ra, có nhiều văn bản điều hành đang được Quốc Hội dự thảo nhằm làm rõ các quy định, hạn chế sai phạm trong công tác đấu thầu và tạo sức hút từ kênh ETC với các công ty sản xuất dược như sửa đổi Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Thông tư 14/2020/TT-BYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Mục tiêu đẩy mạnh phát triển kênh ETC trong dài hạn.
Song, thời gian trong việc thay đổi các văn bản điều hành kéo dài hơn dự kiến và tác động từ chính sách sẽ có độ trễ.
Dự báo của Fitch Solutions, doanh thu kênh ETC có thể đạt 5,46 tỷ USD trong năm 2023 và 6,81 tỷ USD trong năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm đạt 8%. Sự phục hồi của kênh ETC sẽ khiến kênh OTC giảm tốc nhưng kênh OTC vẫn được Fitch Solution dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5 năm là 7%.
Ngoài ra, nhu cầu mua sắm thuốc nhờ xu hướng già hóa dân số và chi tiêu dành cho dược phẩm gia tăng cũng sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn.