|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng ngành dược 2023: Sự phục hồi của kênh ETC sẽ khiến kênh OTC giảm tốc

09:00 | 21/01/2023
Chia sẻ
Báo cáo của VDSC nhận định sự phục hồi của kênh ETC sẽ khiến kênh OTC giảm tốc nhưng kênh OTC vẫn được Fitch Solution dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5 năm là 7%.

Kênh ETC được tạo điều kiện phát triển trong dài hạn

Đại án Việt Á đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu thầu kênh ETC trong năm 2022. Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lũy kế 11 tháng, tổng giá trị trúng thầu giảm đáng kể về mức 40.000 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ), trong đó thuốc nội địa và thuốc ngoại còn 12.000 tỷ đồng (giảm 28%) và 28.000 tỷ đồng (giảm 9%), tương ứng chiếm tỷ trọng 31% và 69%.

Các chuyên gia phân tích đánh giá các gói đấu thầu bổ sung như là “cơn mưa rào” hạ nhiệt tình trạng thiếu thuốc trên kênh ETC trong ngắn hạn.

Không để tình trạng thiếu thuốc kéo dài, các gói thầu bổ sung thuốc cho năm 2022 - 2024 đạt giá trị 22.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều bệnh viện vẫn đang mời thầu để đảm bảo cung ứng cho 2023 – 2024 đạt giá trị 5.600 tỷ đồng, trong đó có 4.800 tỷ đồng thuốc generics.

Dự báo của Fitch Solutions, doanh thu kênh ETC sẽ 5,46 tỷ USD (tăng 7%) cho năm 2023 và 6,81 tỷ USD (tăng 7,7%) cho năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm đạt 8% dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất.

 

Bên cạnh đó, một số nội dung tiêu biểu được trình bày trong kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khóa XV liên quan tới các vấn đề trong công tác đấu thầu, giải quyết tình trạng khan hiếm thuốc trên kênh ETC. VDSC đánh giá, mục tiêu sửa đổi là làm rõ điều luật, hạn chế sai phạm để bệnh viện, cơ sở y tế có căn cứ tổ chức đấu thầu và thu hút các công ty dược phẩm hướng tới kênh ETC.

 

Sự phục hồi của kênh ETC sẽ khiến kênh OTC giảm tốc

VDSC dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu kênh OTC chậm lại do (1) đã qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 làm nhu cầu thuốc OTC tăng đột biến; (2) Chính phủ cũng đang tích cực khơi thông kênh ETC như đã phân tích ở trên; (3) Fitch Solutions dự báo về tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất và mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân thúc đẩy tăng trưởng kênh ETC.

Sự phục hồi của kênh ETC sẽ khiến kênh OTC giảm tốc nhưng kênh OTC vẫn được Fitch Solution dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5 năm là 7%.

Nguyên nhân là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bán lẻ dược phẩm. Trong giai đoạn nửa đầu 2022, Long Châu, An Khang và Pharmacity mở mới 982 cửa hàng. Tuy nhiên sau đó, chỉ có Long Châu là giữ được tốc độ mở mới với 281 cửa hàng trong khi Pharmacity và An Khang đóng cửa lần lượt 77 và 14 cửa hàng không hiệu quả.

Mặc dù vậy, tổng số lượng cửa hàng của 3 chuỗi bán lẻ đạt 2.550 cửa hàng (tăng 85%), tăng 1.172 cửa hàng so với cuối năm 2021. Cùng với đó là số lượng khoảng 56.000 nhà thuốc truyền thống đảm bảo kênh phân phối đủ lớn.

Bên cạnh đó, thói quen mua thuốc tại nhà thuốc bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.

 

Xu hướng dân số già hoá là động lực tăng trưởng dài hạn

VDSC nhận định xu hướng nhân khẩu học tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm trong dài hạn. Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.

Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13 triệu người tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.

Ngoài ra, người dân đang chi tiêu nhiều hơn dành cho dược phẩm nhờ thu nhập bình quân tăng lên. Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

 

Hoàng Kiều