|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phong trào 'mua sắm báo thù' của giới siêu giàu có thể giúp ngành hàng xa xỉ phục hồi nhanh

07:30 | 14/05/2020
Chia sẻ
Sự phục hồi sức mua hàng cao cấp ở Trung Quốc khiến giới quan sát hi vọng quá trình phục hồi doanh số của hàng xa xỉ sẽ diễn ra nhanh hơn. Song rất có thể giới siêu giàu sẽ mua sắm khác hẳn sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp ở Trung Quốc - bao gồm Prada, Gucci, Louis Vuitton, Hermes - đang chứng kiến sự phục hồi nhanh về doanh số khi các cửa hàng đón khách trở lại. Đó là nhận định của Claudia D’Arpizio, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Bain.

"Sau khi nhu cầu mua hàng cao cấp giảm sâu và đột ngột trong quí I, doanh số của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới sẽ phục hồi nhanh nhờ đà mua sắm mạnh", cô nói với CNBC.

Phong trào 'mua sắm báo thù' của giới siêu giàu có thể giúp ngành hàng xa xỉ phục hồi nhanh - Ảnh 1.

Thay vì dành tiền cho trải nghiệm, giới siêu giàu sẽ ưu tiên sản phẩm vật chất trong 1-2 năm tới. Ảnh: WSJ

"Mua sắm báo thù"

Ví dụ, một cửa hàng của Hermes ở thành phố Quảng Châu đã đạt doanh thu 2,7 triệu USD - mức kỉ lục đối với ngành hàng xa xỉ ở Trung Quốc - trong ngày họ mở cửa trở lại hồi tháng 4. Sự bùng nổ doanh số của cửa hàng đã dẫn đến sự ra đời của thuật ngữ "mua sắm báo thù". Ý tưởng đằng sau khái niệm này là: Người tiêu dùng phải "nhịn" mua hàng trong giai đoạn cách li xã hội nên họ chi tiêu mạnh để bù đắp khi dịch lắng xuống.

"Chúng ta đang chứng kiến người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng rất nhanh, mặc dù chưa đạt mức trước đại dịch. Hành vi mua sắm báo thù đang diễn ra ở Trung Quốc và cũng diễn ra ở mức độ nào đó tại châu Âu. Mọi người đang quay trở lại cửa hàng và có động lực rất lớn để mua", Claudia D’Arpizio nói.

Bain dự báo doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu sẽ giảm tới 100 tỉ USD trong năm nay, tương đương khoảng 1/3 so với mức doanh thu 300 tỉ USD trong năm ngoái.

"Khả năng doanh thu sẽ chỉ quay lại mức 300 tỉ USD vào năm 2022 hoặc 2023", công ty nhận định.

Những thay đổi khác

Hành vi chi tiêu của giới siêu giàu cũng sẽ thay đổi ngoạn mục trong một hoặc hai năm tới. Thay vì dành tiền cho các trải nghiệm (như du lịch, xem phim), giới siêu giàu sẽ tập trung vào mua hàng thực.

Giới phân tích nhận định giới siêu giàu sẽ chỉ quay lại các phi cơ, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng đông đúc sau một hoặc hai năm tới.

"Tôi nghĩ người siêu giàu sẽ tránh những kì nghỉ đắt tiền trong tương lai gần và tập trung vào hàng xa xỉ", Claudia D’Arpizio nói.

Một xu hướng lớn khác là người siêu giàu sẽ quan tâm hơn tới phụ kiện xa xỉ. Túi xách và giày sẽ lọt vào nhóm sản phẩm người siêu giàu mua nhiều nhất, vì mức giá của chúng khá đa dạng. 

Đồng hồ và hàng thời trang sẽ hứng chịu tổn thất về doanh số. Tương lai của đồ trang sức sẽ rất khó lường, bởi giá vàng đang tăng vọt.

Vài năm qua, các thương hiệu thời trang liên tục tổ chức những sự kiện hoành tráng để thu hút khách hàng. Giờ đây, khi người tiêu dùng ưu tiên mua hàng trực tuyến, các thương hiệu nên thích nghi với tình trạng số người bước vào cửa hàng sẽ giảm.

Người tiêu dùng sẽ mua hàng xa xỉ ở những cửa hàng gần nhà thay vì ra nước ngoài để mua. Ở châu Âu, nơi người dân thường thấy du khách Trung Quốc chen chúc trong các cửa hàng xa xỉ để chọn sản phẩm, giờ đây các thương hiệu tìm cách thu hút khách hàng địa hương. Thế hệ sinh sau năm 1981 cũng sẽ thay đổi thói quen mua hàng xa xỉ vì họ ưu tiên giao dịch trực tuyến.

"Cảm giác tự hào với sản phẩm địa phương của người tiêu dùng sẽ tăng", Bain khẳng định.


Nhạc Phong