Ông Trump lạnh nhạt với sáng kiến vắc xin COVID-19 của WHO, liệu Trung Quốc có tham gia?
Ngày 18/9 là thời hạn cuối cùng để chính phủ các nước quyết định có tham gia vào Covax - sáng kiến y tế trị giá 18 tỉ USD nhằm giúp các nước kém phát triển tiếp cận vắc xin như các nước giàu có.
Trước đó, Bắc Kinh từng cho biết họ "ủng hộ" Covax nhưng không làm rõ liệu họ có đầu tư tiền vào dự án này hay không.
Nếu đăng kí tham gia Covax, Trung Quốc có thể cải thiện hình ảnh của họ trong vấn đề xử lí đợt bùng phát ban đầu của đại dịch COVID-19 tại Vũ Hán trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Trump đã từ chối tham gia sáng kiến này.
Nhà phân tích Kelsey Broderick của Eurasia Group cho hay: "Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ phương Tây về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và tính minh bạch của chính phủ trong thời điểm đầu đại dịch mới bùng phát".
"Việc tham gia vào một sáng kiến như Covax chắc chắn sẽ giúp thay đổi nhận thức rằng Trung Quốc không phải là một tác nhân xấu", bà Broderick nói tiếp.
Hồi tháng 5, ông Tập Cận Bình hứa hẹn rằng vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc phát triển sẽ là "một hàng hóa chung", chia sẻ cho tất cả các nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa làm rõ liệu họ có đăng kí tham gia sáng kiến Covax hay không. Trong tháng 9, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ cho biết hành động của Trung Quốc "về bản chất giống với Covax".
Theo Bloomberg, các quốc gia tự chủ tài chính có thể thanh toán trước hợp đồng vắc xin ngừa COVID-19 cho khoảng 50% dân số trong nước, dù các mũi tiêm sẽ được phân bổ theo tỉ lệ phù hợp giữa các nước nghèo và các nước giàu khi vắc xin có sẵn.
Ngoài ra, các chính phủ tham gia Covax có thể tự do kí kết các thỏa thuận song phương để đặt mua vắc xin COVID-19 riêng.
Nếu Trung Quốc tham gia Covax, đây sẽ là một bước tiến lớn. Tính đến ngày 24/8, Bloomberg thống kê có khoảng 172 nước đang thảo luận tham gia sáng kiến của WHO. Khả năng cung ứng vắc xin cho một phần trong tổng 1,4 tỉ dân Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản lượng vắc xin, từ đó nâng cao khả năng đàm phán của liên minh Covax.
Đối với Trung Quốc, Covax có thể trở thành một tấm bảo hiểm cho phép nước này tiếp cận các vắc xin được điều chế thành công. Tham gia sáng kiến của WHO không đồng nghĩa với việc các ứng viên vắc xin của Trung Quốc sẽ nằm trong danh mục của Covax, nhưng khả năng này cũng có thể xảy ra.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể hỗ trợ sản xuất vắc xin, dù sản phẩm này do bất kì nước nào điều chế thành công.
Theo Bloomberg, tham gia vào Covax giúp các hãng dược của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình triển khai vắc xin trên toàn cầu. Theo nhà tư vấn Xiaoqing Lu Boynton của Albright Stonebridge, nếu vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển được chọn, thương hiệu đứng sau sản phẩm đó sẽ hưởng lợi từ danh tiếng của WHO.
Bà Boynton nhận định: "Từ góc độ kinh tế lẫn chính trị, Trung Quốc đều có lợi nếu tham gia Covax".
Từ góc độ ngoại giao
Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối vắc xin cho mục đích tiêu dùng trên toàn cầu. Danh tiếng của ngành dược Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vào năm 2018 khi hai hãng vắc xin của đất nước tỉ dân bị phát hiện cắt gọt qui trình sản xuất, làm giảm niềm tin của công chúng trong và ngoài nước về sản phẩm y tế của đất nước tỉ dân.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước đi đầu trong phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Tổng cộng 9 ứng viên vắc xin của Trung Quốc đã bước vào thử nghiệm lâm sàng và 4 trong số này đã được chấp thuận cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở nước ngoài.
CanSino (trụ sở tại Thiên Tân) là công ty đầu tiên trên thế giới đạt đến giai đoạn thử nghiệm quan trọng cuối cùng trên người. CanSino, Sinovac Biotech và China National Biotec Group đều đã bắt đầu thử nghiệm ở các nước khác như Brazil, Nga, Indonesia, UAE, Peru, Chile và Morocco.
Vắc xin tiềm năng của CanSino có thể giúp Bắc Kinh bù đắp những tổn thất trong quan hệ ngoại giao khi chính phủ hứng chịu nhiều chỉ trích về các vấn đề Hong Kong, Tân Cương.
"Cả chính phủ và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều muốn bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài cũng như nhân lực ngay tại đó. Nếu tình hình dịch bệnh ở những nước này cải thiện, Bắc Kinh cũng hưởng lợi", nhà nghiên cứu Yu Jie của viện chính sách Chatham House cho hay.