|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ong sát thủ (Killer Bees) trong mua bán sáp nhập và các kiểu phòng vệ chống thôn tính

17:32 | 18/09/2019
Chia sẻ
Ong sát thủ (tiếng Anh: Killer Bees) là những tổ chức, cá nhân giúp đỡ các công ty khác tránh khỏi việc bị thôn tính bằng cách đề ra và thực hiện các chiến lược để ngăn chặn vụ thôn tính thù địch.
1

Hình minh họa. Nguồn: getweeklyupdate.com

Ong sát thủ

Khái niệm

Ong sát thủ trong tiếng Anh là Killer Bees.

Ong sát thủ là thuật ngữ chỉ các tổ chức hoặc cá nhân giúp các công ty tránh bị thôn tính, ví dụ như các ngân hàng đầu tư, kế toán, luật sư và chuyên gia thuế, bằng cách lên ý tưởng và thực hiện các chiến lược chống thôn tính.

Những chiến lược này thường làm cho công ty mục tiêu trở nên kém hấp dẫn hơn hoặc khó mua hơn, bằng cách buộc bên thâu tóm phải trả nhiều tiền hơn, hoặc pha loãng cổ phiếu của bên thâu tóm.

Bản chất của ong sát thủ

Trong những năm 1980 khi các cuộc thôn tính thù địch thường xuyên xảy ra, ong sát thủ sẽ hành động quyết liệt thay mặt cho một công ty bị đe dọa bởi sự tiếp quản thù địch. Mọi cách thức chiến lược và chiến thuật được sử dụng để ngăn chặn sự tiếp quản thù địch.

Những biện pháp phòng vệ này bao gồm phương pháp "chống cá mập" để làm cho vụ thôn tính trở nên kém hấp dẫn hoặc giảm lợi nhuận cho công ty đi mua bằng cách sử dụng chiến lược "thuốc độc" hoặc quyết liệt hơn là chiến lược "thuốc tự tử" - làm phá sản công ty mình.

Các kiểu phòng vệ chống thôn tính thù địch khác

Các chiến thuật khác xuất hiện trong những năm 1980 bao gồm "hiệp sĩ trắng" khi một công ty thân thiện mua lại một tập đoàn sắp bị thâu tóm, và "cận vệ trắng" sẽ mua một phần cổ phần của một công ty mục tiêu. 

Trong "phòng thủ Pac-Man", chiến lược được đặt tên theo trò chơi arcade ăn-hoặc-bị-ăn cổ điển, công ty mục tiêu sẽ lật ngược tình thế bằng cách đặt giá mua lại cho công ty định thâu tóm nó.

Trong "bẫy tôm hùm", công ty mục tiêu sẽ đề ra một điều khoản ngăn bất kì cổ đông nào sở hữu cổ phần trên 10% chuyển các loại chứng khoán có thể chuyển đổi thành cổ phiếu có quyền biểu quyết, nhằm ngăn chặn các cổ đông lớn giành đủ quyền biểu quyết để buộc hội đồng quản trị chấp nhận vụ sáp nhập.

Một kĩ thuật chống thôn tính phổ biến khác trong những năm 1980 là "thư xanh", khi công ty mục tiêu mua lại số cổ phiếu mà công ty định thôn tính đã mua vào, với giá cao hơn giá họ đã bỏ ra - bằng tiền của các cổ đông - đổi lại, bên ra đề nghị mua lại công ty cam kết bỏ vụ thôn tính thù địch. 

Bằng cách sử dụng "thư trắng" và phát hành một số lượng lớn cổ phiếu với giá thấp hơn thị trường, công ty mục tiêu cũng có thể khiến vụ thôn tính trở nên đắt đỏ hơn nhiều đối với bên mua.

(Theo investopedia)

Hằng Hà