Ông Putin có thể lùi bước mà không tỏ ra yếu thế?
Công chúng toàn cầu đang ngóng chờ phản ứng của Nga sau khi Washington từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Moscow đối với Ukraine, bao gồm việc phương Tây phải rút quân khỏi khu vực Đông Âu và không được phép cho Ukraine gia nhập NATO.
Điện Kremlin vẫn đang cân nhắc bước đi kế tiếp, nhưng giới chuyên gia lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ "bật đèn xanh" để quân đội Nga tấn công vào Ukraine.
Dù đã nhiều lần khẳng định Nga không có kế hoạch xâm lược Ukraine, chính quyền ông Putin vẫn bố trí khoảng 100.000 binh lính dọc theo biên giới với Ukraine cũng như đưa thêm quân sang nước láng giềng Belarus.
Cho đến giờ, chưa ai biết liệu ông Putin sẵn sàng động binh đến đâu hay người đứng đầu Điện Kremlin sẽ lùi bước, khi mà lợi ích địa chính trị và lòng tự tôn của dân tộc Nga bị đe dọa.
Putin có thể rút lui, nếu ông muốn
Theo CNBC, Tổng thống Putin được biết đến là một người đàn ông quyền lực ở Nga. Với sức mạnh áp đảo các nhân vật đối lập cũng như truyền thông đại chúng, Điện Kremlin dưới thời ông Putin có thể dễ dàng kiểm soát thông tin về vị tổng thống này.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng ông Putin có đủ khả năng để thay đổi cục diện tranh chấp với Ukraine mà không làm mất thể diện của ông hay của nước Nga. Song, điều này chỉ xảy ra nếu bản thân ông chủ Điện Kremlin mong muốn.
Ông Maximilian Hess, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho hay Tổng thống Vladimir Putin "đã xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ tại Nga, nhưng ông cũng có đủ quyền lực để khiến đa phần công chúng Nga không xem việc rút lui là một sự yếu kém".
Trớ trêu thay, ông Hess lập luận, NATO càng triển khai nhiều khí tài quân sự đến Đông Âu và phương Tây càng đe dọa Nga bằng cách biện pháp trừng phạt, thì ông Putin càng khó thoái lui.
"Ông Putin vẫn có thể lùi bước mà không gặp phải hậu quả nghiêm trọng trong nước, mặc dù hành động của phương Tây tại Đông Âu nhìn chung khiến kịch bản đó khó xảy ra hơn", ông Hess nhấn mạnh với CNBC.
Vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nói thêm, có thể giới tinh hoa trong quân đội và cơ quan tình báo Nga sẽ muốn Moscow tham chiến với Kiev. Tuy nhiên, "hệ thống của ông Putin đứng khá vững trước những bất đồng chính sách của giới tinh hoa".
Rõ ràng, niềm tin của phương Tây đối với Nga đã tụt xuống mức thấp sau khi Điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014. Hơn nữa, sự ủng hộ của chính quyền ông Putin dành cho lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực Donbas (ở phía đông Ukraine) càng khiến phương Tây thêm mất lòng tin với Nga.
Một số nhà phân tích tin rằng Nga có thể tiến hành một cuộc xâm nhập nhỏ hơn vào khu vực Donbas của Ukraine, thay vì tiến công thẳng vào nước láng giềng. Điều này vừa giúp bảo vệ thể diện của Nga vừa có thể gây bất ổn cho Ukraine. Ông Hess cho biết đây là kịch bản cơ sở của ông.
Người Nga không thèm khát chiến tranh
Theo nhận định của một số chuyên gia khác, mục tiêu của Nga là duy trì phạm vi ảnh hưởng của Moscow đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của liên minh NATO. Nga khẳng định họ không có ý định xâm lược Ukraine và chỉ muốn bảo vệ lợi ích an ninh của mình.
Tổng thống Putin mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là một trong những thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20. Ông cũng từng ca ngợi sự thống nhất vẹn toàn của Nga và Ukraine, nhấn mạnh mối quan hệ chung về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa của hai nước.
Liên hệ "gần gũi" giữa Nga và Ukraine có thể là một lý do tại sao công chúng Nga thường không mấy mặn mà với chiến tranh.
Chia sẻ với CNBC, ông Anton Barbashin - Tổng biên tập tạp chí Riddle, cho hay: "Công chúng Nga không yêu cầu ông Putin phải đối xử thô bạo và leo thang căng thẳng với Ukraine. Do đó, bất kỳ động thái dịu giọng nào cũng sẽ được người Nga hoan nghênh…"
Ông Hess của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cũng đồng tình. Theo ông, khác với việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 khi công chúng Nga rất mực ủng hộ, lần này người Nga không thực sự quá gay gắt với Ukraine.
Song, không phải ai cũng tin rằng ông Putin sẵn sàng lùi bước trong cuộc tranh chấp với Ukraine. Ông Ian Bremmer, nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Eurasia Group, tin rằng Tổng thống Putin đang chuẩn bị tấn công Ukraine bằng cách tiêm nhiễm vào đầu công chúng Nga những thông điệp xấu xí về Ukraine và phương Tây.
Ông Bremmer nói Tổng thống Putin sẽ mất uy tín trên chính trường thế giới nếu ông rút lui, đặc biệt là tại một số khu vực nhất định, chẳng hạn như ở các quốc gia có truyền thông liên minh với Nga.
Vì lẽ đó, ông Bremmer cho rằng chính quyền ông Putin phải leo thang căng thẳng bằng mọi giá, tức là không chỉ là tỏ ý định xâm lược Ukraine mà còn có thể đóng quân và mang vũ khí hạt nhân đến Belarus hoặc thiết lập căn cứ quân sự ở Tây bán cầu (Cuba, Venezuela).