Ông chủ muối chấm Dh Foods chia sẻ bài học khởi nghiệp: Xác định startup có thể bị đối tác từ chối, nhưng không bao giờ được nản lòng
Ông Nguyễn Trung Dũng là Founder và CEO của startup Dh Foods, một đơn vị chuyên sản xuất gia vị từng lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 để gọi 12 tỷ đồng cho 3% cổ phần.
Đến cuối chương trình, Shark Hưng đưa ra đề nghị 12 tỷ đồng cho 15% (3% cho mỗi nhà đầu tư, nếu các cá mập khác đồng ý). CEO Nguyễn Trung Dũng đã từ chối và và đưa ra mức định giá mới là 12 tỷ đồng cho 5%, tương đương 1% cho mỗi nhà đầu tư. Cuối cùng, dàn "cá mập" đều không đồng ý và quyết định từ chối đầu tư.
Dù ra về tay trắng, nhưng Dh Foods của CEO Nguyễn Trung Dũng đã lọt vào top những startup ấn tượng nhất chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4.
Tuy nhiên, để được lên sóng và gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam là cả một quãng đường dài với CEO của Dh Foods. Mới đây, đích thân ông Nguyễn Trung Dũng đã chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 50.
Cụ thể, trên trang Facebook cá nhân, Founder Dh Foods cho biết từng về Việt Nam năm 1994 để tìm đối tác mới trong ngành mì ăn liền. Lúc đó, ngoài Vifon trên thị trường còn có các công ty lớn như Miliket, Colusa, Thiên Hương, Bình Tây. Thời điểm đó, ông Nguyễn Trung Dũng nhập khẩu khoảng 20 container 40 feet mì ăn liền/tháng từ Việt Nam.
"Một hôm có một chị đến gặp tôi. Tôi khá ngạc nhiên và thắc mắc tại sao chị ấy lại biết mình, biết nơi mình ở và thời gian về Việt Nam công tác", ông Dũng chia sẻ về cuộc gặp tình cờ với một đối tác.
Đồng thời, ông cho biết người chị đó tự giới thiệu bản thân là Trưởng phòng Xuất khẩu của công ty mì An Thái tại Long Xuyên. Người này đã đưa ra lời đề nghị cho dòng mỳ Lucky của công ty. Tuy nhiên, thời điểm đó ông Dũng chưa biết Long Xuyên ở đâu, công ty là gì, thương hiệu chưa có tên tuổi nên đã từ chối.
Dù đã cố thuyết phục Founder Dh Foods nhưng không có hiệu quả, vị nữ trưởng phòng quay sang chủ đề khác: Mời ông Dũng về miền Tây chơi. Do được giới thiệu về phong cảnh hữu tình, ông Dũng đã nhận lời với mục đích ban đầu là đi tham quan và thưởng ngoạn.
"Sáng hôm sau, nữ trưởng phòng nói rằng Ban Giám đốc muốn mời tôi qua nhà máy để chào một câu, tất nhiên tôi đồng ý vì họ mời tôi xuống đây. Khi đến nhà máy, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ", ông Dũng chia sẻ về cuộc gặp tình cờ tại nhà máy mì An Thái.
Ông chia sẻ rằng An Thái cũng là một trong những công ty đầu tiên có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh An Giang. "Sau khi uống trà, họ có nhã ý mời tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất và tất nhiên, tôi đồng ý", Founder của Dh Foods kể.
"Vào đến xưởng sản xuất, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dây chuyền Đài Loan công nghệ Nhật hiện đại nhất trong các nhà máy mì mà tôi đã có dịp tham quan vào thời điểm đó", ông Dũng chia sẻ.
Đồng thời, ông cho biết số lượng công nhân tại đây ít hơn hẳn các dây chuyền sản xuất khác, công suất máy cao gấp 2 – 3 lần những nhà máy ông từng tham quan. Ngoài ra, chính ông cũng trực tiếp ăn thử các sản phẩm của An Thái để rồi cuối cùng đã đưa ra quyết định cam kết 500.000 gói/năm.
Dù vậy, kết quả đã vượt ngoài mong đợi khi chỉ trong một năm, ông đã đạt được mốc 500.000 gói/tháng. Nhà máy sau đó đã mua thêm một dây chuyền của Nhật Bản, làm ba ca vì kinh doanh ở nội địa khởi sắc và cũng chiếm vị trí số một ở Campuchia.
"Tôi chia sẻ câu chuyện này để các bạn đừng bao giờ nản lòng khi bị đối tác từ chối. Bởi nếu có sản phẩm tốt thì không được cách này, chúng ta sẽ có cách khác, nhất là những mảng đối tác thích và quan tâm, không nhất thiết phải liên quan đến việc kinh doanh", ông Dũng dành lời chia sẻ cho các startup.
Bản thân Founder Dh Foods cũng từng rơi vào chính hoàn cảnh của vị nữ trưởng phòng công ty Mì An Thái. Từng chia sẻ câu chuyện kinh doanh trên báo Đầu tư, hai vợ chồng ông khởi nghiệp với Dh Foods số vốn ban đầu là 1,2 tỷ đồng và không đủ tiền thuê xưởng sản xuất, thuê kho, mua máy móc, mua ô tô tải, vì vậy, ông quyết định tìm đối tác gia công.
Sau nhiều lần bị từ chối vì không biết cụ thể số lượng gia công là bao nhiêu, cuối cùng ông cũng tìm được một công ty đối tác gia công cho Dh Foods. Những ngày đầu khởi nghiệp, công ty tuyển hơn chục người làm kinh doanh, làm trục, in bao bì riêng.
Gần đây nhất là đầu năm 2021, Dh Foods tuyên bố tung các dòng sản phẩm mới, là mắm đặc sản miền Tây và các loại rau củ ngâm không dùng bột ngọt. Ngoài ra, công ty ông cũng xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Mỹ, Anh, Đức, Nga...