Ông Biden gọi Trung Quốc là 'đối thủ sừng sỏ nhất' của Mỹ
Xuất hiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/2, tân Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ "trực tiếp đối mặt với những thách thức do Trung Quốc - đối thủ sừng sỏ nhất của Mỹ, đặt ra cho sự thịnh vượng, an ninh và giá trị dân chủ của Mỹ".
"Chúng tôi sẽ đối đầu với hành vi lạm dụng kinh tế, chống lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc và đẩy lùi cuộc tấn công của Bắc Kinh vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu", ông Biden phát biểu.
"Nước Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc bằng sức mạnh, bằng cách xây dựng đất nước bền vững, hợp tác với các đồng minh và đối tác, làm mới vai trò của chúng tôi trong các thể chế quốc tế và giành lại sự tín nhiệm của cộng đồng...", Tổng thống Biden tiếp tục. Đường lối đối ngoại mà ông Biden vạch ra tương phản rõ nét với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Dù cam kết đối đầu với chính phủ Trung Quốc, ông Biden cho biết Mỹ sẵn lòng "hợp tác với Bắc Kinh nếu phù hợp với lợi ích của Washington". Bình luận này dường như liên quan đến tham vọng của chính quyền ông Biden trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Từng làm việc nhiều năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và có 8 năm làm Phó Tổng thống trong chính quyền ông Obama, ông Biden được coi là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biden đã sử dụng bài phát biểu để thông báo một số động thái chính sách đối ngoại mới, bao gồm việc Mỹ từ chối ủng hộ cuộc tấn công do Arab Saudi dẫn đầu tại Yemen.
Ngoài ra, tân Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố ngừng rút quân khỏi Đức, đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump. Đồng thời, ông Biden tuyên bố sẽ tăng đáng kể mức giới hạn tiếp nhận người tị nạn của Mỹ lên 125.000 người/năm. Năm ngoái, ông Trump đã hạ mức giới hạn này xuống mốc thấp kỷ lục là 15.000 người.
Theo South China Morning Post, ông Biden đưa ra bài phát biểu trên trong bối cảnh chính phủ Mỹ phải đối mặt với các thử thách ngoại giao đầu tiên, từ việc Nga bỏ tù lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đến cuộc chính biến ở Myanmar.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang rất căng thẳng, khi mà Washington vừa đưa ra tuyên bố mới chỉ trích hành động của Bắc Kinh ở khu tự trị Tân Cương và bày tỏ dấu hiệu ủng hộ Đài Loan. Ông Biden còn mời đại diện Đài Loan đến tham dự lễ nhậm chức, một lời mời chưa từng có tiền lệ.
Đến nay, ông Biden vẫn chưa trò chuyện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù ông đã điện đàm với khá nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Hôm 2/2, một quan chức Bộ Ngoại Mỹ cho biết chính quyền ông Biden muốn Mỹ phải bắt tay với đồng minh trước khi tương tác với Bắc Kinh.
Đầu tuần này, Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ Mỹ từ bỏ "các chính sách sai lầm" của chính quyền ông Trump.
Song, hai lựa chọn nội các của Tổng thống Biden gồm ông Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng và bà Linda Thomas-Greenfied làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã báo hiệu chính quyền mới sẽ đi theo hướng cứng rắn và đa phương để giải quyết các thách thức từ Trung Quốc.
Chia sẻ với báo giới trước bài phát biểu của ông Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ưu tiên của chính quyền Biden không phải là giúp các tập đoàn đa quốc gia "tiếp cận" thị trường Trung Quốc. Trái lại, Washington muốn "đối phó với hành vi lạm dụng thương mại của Trung Quốc, thứ đang gây hại cho việc làm và người lao động tại Mỹ".