|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó khăn bủa vây ông Biden khi cố gắng xóa bỏ dấu ấn của ông Trump

17:12 | 01/02/2021
Chia sẻ
Nhiệm kỳ của ông Biden bắt đầu với với hàng loạt lệnh hành pháp được chuẩn bị kỹ càng nhằm xóa bỏ dấu ấn của ông Trump và định hướng lại con đường của nước Mỹ. Nhưng sau tuần đầu tiên ở Nhà Trắng, vị tổng thống mới đã phát hiện ra giới hạn quyền lực của mình.
Ông Biden gặp vô vàn khó khăn khi cố gắng xóa bỏ dấu ấn của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Nỗ lực thúc đẩy sản xuất vắc xin COVID-19 của chính quyền Biden vấp phải những trở ngại từng cản đường chính quyền Trump: tắc nghẽn cả ở các nhà máy và bệnh viện. Các cố vấn của ông Biden cũng phải gấp rút "chữa cháy" sau khi tổng thống tuyên bố rằng đến mùa xuân, bất kỳ người Mỹ nào cũng sẽ được tiêm chủng.

Vắc xin sắp ra mắt của Johnson & Johnson hứa hẹn sẽ tăng nguồn cung, giúp ông Biden dễ đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vắc xin trong 100 ngày đầu nắm quyền hơn.

Trong khi đó, ông Biden phải đương đầu với trở ngại quen thuộc từ Quốc hội. Trong 12 ngày đầu nhiệm kỳ, Thượng viện mới phê chuẩn 4 ứng viên nội các của ông. Ông Biden cũng chưa giành được ủng hộ của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cho gói cứu trợ nghìn tỷ USD tiếp theo.

Hôm 31/1, nhóm 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa thúc giục ông Biden hạ quy mô gói cứu trợ từ 1.900 tỷ USD xuống còn 600 tỷ USD. Nhà Trắng cho biết sẽ xem xét đề xuất này. Gói kích thích nhỏ được lưỡng đảng ủng hộ sẽ cho phép Đảng Dân chủ theo đuổi các điều khoản gây tranh cãi bằng công cụ ngân sách lưỡng đảng.

Bloomberg cho biết Thượng viện đang bị phân tâm bởi phiên tòa luận tội ông Trump. Còn tại Hạ viện thì sau vụ tấn công chết người ngày 6/1, các nghị sĩ Đảng Dân chủ coi nhiều đảng viên Cộng hòa là kẻ địch nguy hiểm chứ không chỉ là đối thủ chính trị thông thường.

Sự bế tắc ở Washington không có gì lạ với một người đã lăn lội trên chính trường Mỹ gần nửa thập kỷ như ông Biden. Nhưng dù ông Biden khẳng định rằng nước Mỹ phải đối mặt với bộ ba khủng hoảng y tế, kinh tế và khí hậu thì Quốc hội lại không có vẻ gì là đang khẩn trương giải quyết vấn đề. 

Các quan chức Nhà Trắng công khai phản bác ý kiến rằng chương trình nghị sự của ông Biden đã bị trật bánh.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: "Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi vẫn đạt được tốc độ khá nhanh". Bà nói thêm ông Biden đã trực tiếp nói chuyện với các nhà lập pháp "về sự cấp bách của việc hoàn thành công việc".

Quốc hội không phải là mặt trận duy nhất ông Biden gặp khó. Dù những người ủng hộ tổng thống vui mừng trước loạt lệnh hành pháp được ban hành ngay trong ngày đầu nhậm chức, rất nhiều quy định đối mặt với viễn cảnh bị kiện tụng gay gắt.

Chính quyền Biden đã gặp phải trở ngại pháp lý. Lệnh ngừng trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ trong 100 ngày của ông Biden đã bị thẩm phán ở Texas ngăn chặn trong tuần trước.

Nhà Trắng đã phải trì hoãn các chính sách nhập cư khác, bao gồm kế hoạch giúp các gia đình nhập cư bị chia cắt ở biên giới Mỹ - Mexico được đoàn tụ. Bà Psaki thừa nhận rằng các thông báo nhập cư bị trì hoãn vì ứng viên dẫn dắt Bộ An ninh Nội địa của ông Biden chưa được Quốc hội xác nhận.

Các quan chức chính quyền kiên quyết rằng một số lệnh hành pháp ban đầu của ông Biden sẽ ngay lập tức mang lại trái ngọt.

Nhờ ông Biden, bắt đầu từ 15/2, những người Mỹ không có bảo hiểm sẽ được phép đăng ký cho chương trình Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare. Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation ước tính chương trình này sẽ thu hút hàng triệu người.

Ông Biden đã cấm các chuyến bay quốc tế đến một số điểm nóng COVID-19 nhằm ngăn chặn chủng virus mới lây lan, ngừng việc xây dựng đường ống Keystone XL -  bị một số người coi là thảm họa khí hậu tiềm tàng và gỡ lệnh cấm người chuyển giới nhập ngũ.

Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng có thể đang thu hẹp lại chương trình nghị sự khi đại dịch COVID-19 còn khủng khiếp hơn những gì ông Biden và các trợ lý hàng đầu dự đoán trước đó.

Bất chấp những lời hứa cải cách thuế, kiểm soát súng, đại tu hệ thống tư pháp hình sự và luật chăm sóc sức khỏe, cho đến nay ông Biden vẫn tập trung nỗ lực vào gói cứu trợ. Các quan chức Nhà Trắng khẩn khoản đề nghị mọi người kiên nhẫn để họ có thời gian thực hiện thêm các hành động.

GameStop, Iran

Một số dấu hiệu bên ngoài cho thấy "thời kỳ trăng mật" của ông Biden đang kết thúc. Với tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao, GDP quý IV/2020 thấp hơn kỳ vọng và thị trường chứng khoán chao đảo vì cơn sốt GameStop, chỉ số S&P 500 kết phiên 29/1 thấp hơn 3% so với một tuần trước đó.

Sự hỗn loạn xung quanh GameStop và các cổ phiếu bị bán khống mạnh như AMC do nhà đầu tư nhỏ lẻ gây ra một phần là để làm bẽ mặt và trừng phạt các nhà quản lý quỹ giàu có. Theo Bloomberg, cuộc chiến này phản ánh tư tưởng dân túy và sự chia rẽ chính trị sâu sắc mà ông Biden sẽ phải giải quyết để đoàn kết nước Mỹ.

Bộ Nội địa Mỹ cũng cảnh báo rằng sự giận dữ "kích thích bởi những câu chuyện sai lệch", bao gồm cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử tổng thống có thể thúc đẩy "những kẻ cực đoan" tiến hành các vụ tấn công.

Rắc rối cũng xuất hiện trên mặt trận đối ngoại. Ông Biden đã hy vọng rằng Iran có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký kết dưới thời chính quyền Obama để bày tỏ thiện chí với tổng thống mới của nước Mỹ. 

Trái với kỳ vọng của ông Biden, chính phủ Iran yêu cầu Mỹ phải gỡ các lệnh trừng phạt từ thời ông Trump trước ngày 21/2 nếu không nước này sẽ trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận tình huống hiện nay khiến Mỹ "còn một chặng đường rất xa nữa" mới quay trở lại được thỏa thuận hạt nhân.

Giang