|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thống tướng Myanmar thách thức ông Biden, đặt cược lớn vào Trung Quốc

12:16 | 02/02/2021
Chia sẻ
Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar là thách thức lớn với chính quyền non trẻ của ông Biden trong lúc Mỹ cố gắng tái lập vị thế lãnh đạo toàn cầu. Ông Biden đang chịu áp lực trừng phạt tướng lĩnh Myanmar nhưng phải tránh làm tổn thương dân thường.
Thống tướng Myanmar thách thức ông Biden, đặt cược lớn vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing của Myanmar. (Ảnh: AFP).

Theo Bloomberg, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, từ lâu đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ và Anh với cáo buộc vi phạm nhân quyền các dân tộc thiểu số. 

Trong khi đó, Bắc Kinh lại thể hiện sự tôn trọng đối với ông Min Aung Hlaing: Trong cuộc gặp mặt tháng trước với vị tướng này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi hai nước là "anh em" đồng thời ca ngợi nỗ lực "hồi sinh quốc gia" của quân đội. 

Ông Sebastian Strangio, biên tập viên tờ The Diplomat cho biết: "Dù cuộc đảo chính chắc chắn sẽ đi kèm với cái giá nhưng đối với quân đội Myanmar thì đó là cái giá chấp nhận được".

"Các sự kiện gần đây tại Đông Nam Á cho thấy với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy yếu của dân chủ tại phương Tây thì Mỹ không còn biện pháp kinh tế và chính trị để thiết lập chương trình nghị sự chuẩn mực trong khu vực".

Bộ phận quan trọng trong chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc của Mỹ là tập hợp các nền dân chủ ở châu Á để ủng hộ khu vực "tự do và cởi mở" . Nhưng phe ủng hộ dân chủ ở các nước như Malaysia và Thái Lan đã mất đi vị thế trong nhiệm kỳ ông Trump.

Giờ đây ông Biden phải đối mặt với thế khó khi phải tìm ra cách trừng phạt tướng lĩnh Myanmar mà không làm tổn thương đến dân thường. Người dân Myanmar đã phải chịu đựng các lệnh trừng phạt Mỹ đặt ra trong những năm 1990 trước khi đất nước chuyển hướng sang dân chủ khoảng một thập kỷ trước.

Ông Biden đã dọa sẽ trừng phạt Myanmar sau vụ đảo chính, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để buộc quân đội từ bỏ quyền lực và thả các quan chức chính phủ.

Nhà Trắng chắc chắn sẽ chịu phải chịu áp lực hành động: Ông Bob Menendez, Chủ tịch sắp tới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã kêu gọi áp đặt "các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc" đối với lãnh đạo quân đội.

Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vẫn còn các đồng minh quan trọng trong Quốc hội Mỹ. Bà cũng đã kêu gọi 55 triệu người dân đất nước chống lại sự trở lại của "chế độ độc tài quân sự".

Trung Quốc đang phản ứng thận trọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi Myanmar là "người hàng xóm thân thiện" và kêu gọi các bên "giải quyết các khác biệt một cách đúng đắn".

Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Myanmar với 21,5 tỷ USD vốn nước ngoài được phê duyệt. Bắc Kinh cũng đóng góp cho khoảng 1/3 thương mại của Myanmar, gấp khoảng 10 lần so với Mỹ.

Nhưng Trung Quốc sẽ phải tránh chọc giận những người ủng hộ bà Suu Kyi. Trong chuyến công du tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị gặp gỡ bà Suu Kyi và nói về cách hai nước có thể hợp tác trong các dự án đầu tư nối Trung Quốc đại lục với Ấn Độ Dương.

"Từng nếm trái đắng"

Ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu chính trị Stimson cho biết: "Đối với Trung Quốc, chính trị Myanmar rất dễ biến động và cực kỳ khó đoán. Trung Quốc đã từng nếm trái đắng".

Các quốc gia châu Á khác cũng sẽ phải cẩn trọng. Trong khi Anh, Australia, Canada và Liên minh châu Âu đã về phe Mỹ và lên án quân đội Myanmar, phản ứng của các nước trong khu vực lại kiềm chế hơn.

Hầu hết các nước châu Á đều đã làm ăn với Myanmar khi đất nước này do quân đội lãnh đạo. Trong những năm gần đây, Nhật Bản và các nước khác cũng đầu tư vào Myanmar như một cơ sở sản xuất thay thế Thái Lan.

Quân đội giữ ảnh hưởng lớn trong chính trường Myanmar kể cả sau khi nước này chuyển sang dân chủ hơn một thập kỷ trước. Quân đội Myanmar tuyên bố hành động của họ là phù hợp với hiến pháp với điều khoản cho phép tướng lĩnh tiếp quản trong giai đoạn "khẩn cấp".

Nền dân chủ non trẻ

Kỳ vọng về dân chủ đã bám rễ trong dân số trẻ của Myanmar. Kể từ 2011, Myanmar đã mở cửa các lĩnh vực như thăm dò năng lượng, bảo hiểm và ngân hàng cho người nước ngoài tham gia, đồng thời tự do hóa lĩnh vực viễn thông để lần đầu tiên cho phép hàng triệu người truy cập điện thoại di động và Internet. Myanmar cũng dỡ bỏ các quy tắc kiểm duyệt hà khắc.

Các tuyên bố của quân đội thể hiện sự thừa nhận về chuyển biến trong xã hội, nhấn mạnh các động thái không phải nhằm chống đối dân chủ. Quân đội Myanmar hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử "tự do và công bằng" sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.

Tuy nhiên quân đội nước này cũng đã hành động nhanh chóng để thiết lập nội các mới với một số thành viên từng là bộ trưởng trong các chính phủ cũ do quân đội chống lưng.

Thống tướng Myanmar thách thức ông Biden, đặt cược lớn vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Bangkok vào ngày 1/2. (Ảnh: Bloomberg).

Dù chưa rõ người dân Myanmar sẽ phản đối quân đội mạnh mẽ đến đâu, một số cư dân tại thành phố lớn nhất đất nước coi vụ chính biến là bước lùi rõ rệt. Ông Aung Kyaw Oo, giáo viên tại thành phố Yangon nói rằng người nghèo sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất nếu Mỹ và các nước khác trừng phạt Myanmar.

Ông Kyaw Oo nói: "Tôi không quá yêu thích Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi, nhưng tôi tin rằng Myanmar chỉ có thể tiến bộ dưới một chính phủ dân sự. Myanmar không thể tiến lên phía trước và phát triển dưới sự lãnh đạo của quân đội".

Giang