|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp 1 năm

11:07 | 01/02/2021
Chia sẻ
Ngày 1/2, kênh truyền hình quân đội Myanmar đưa tin quân đội nước này đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp 1 năm sau vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo trong chính phủ.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin nói trên cho biết Quân đội Myanmar tuyên bố quyền lực hiện được chuyển giao sang cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing.

Người phát ngôn đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cầm quyền (NLD) tại Myanmar ngày 1/2 thông báo nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của đảng cầm quyền đã bị bắt trong các vụ đột kích của quân đội vào rạng sáng cùng ngày.

Trao đổi qua điện thoại với hãng tin Reuters, Phát ngôn viên NLD Myo Nyunt cho biết nhà lãnh đạo Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhà lãnh đạo khác nằm trong số những người bị bắt. Ông kêu gọi người dân Myanmar không nên hành động vội vã và cần tuân thủ pháp luật.

Ông Myo Nyunt, bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị bắt giữ vào lúc sáng sớm 1/2. Người phát ngôn Myo Nyunt nêu rõ: "Tôi muốn yêu cầu nhân dân của chúng tôi không phản ứng một cách nóng vội và tôi muốn họ hành động theo pháp luật". Người phát ngôn này cho biết ông có thể cũng sẽ bị bắt giữ.

Quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp 1 năm - Ảnh 1.

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Ảnh: A

Sáng 1/2, đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV thông báo không thể phát sóng do các vấn đề kỹ thuật. Thông báo của MRTV trên Facebook nêu rõ "do các khó khăn về liên lạc" nên không thể phát sóng các chương trình thường lệ.

Trước diễn biến chính trị mới ở Myanmar, Nhật Bản sáng cùng ngày đã hối thúc Myanmar duy trì nền dân chủ. Phát biểu tại một buổi họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc các bên liên quan giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại và theo quy trình dân chủ là điều rất quan trọng”.

Từ Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo Myanmar phải đảo ngược các bước đã thực hiện. 

Bà Psaki nhấn mạnh: "Mỹ phản đối bất kỳ âm mưu nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước này không được đảo ngược". Bà Psaki nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về tình hình tại Myanmar.

Australia ngày 1/2 kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao khác, đồng thời cảnh báo rằng quân đội “đang một lần nữa tìm cách kiểm soát” đất nước Myanmar. 

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi quân đội (Myanmar) tôn trọng pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế hợp pháp và ngay lập tức thả tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người đang bị bắt giữ trái pháp luật”.

Trong khi đó, Quân đội Myanmar đã chỉ trích các nước về hành động lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở quốc gia Đông Nam Á này. 

Trong tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, quân đội Myanmar đã “kiên quyết bác bỏ” cáo buộc cho rằng lực lượng này cản trở tiến trình chuyển tiếp dân chủ, đồng thời cảnh báo cộng đồng ngoại giao “không đưa ra những giả định không có cơ sở về tình hình”.

Thanh Tuấn