|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden dọa sẽ trừng phạt Myanmar sau vụ đảo chính

08:10 | 02/02/2021
Chia sẻ
Hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden dọa sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt lên Myanmar sau khi lãnh đạo quân đội nước này đảo chính. Ông Biden cũng kêu gọi quốc tế phối hợp để buộc quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực.
Ông Biden dọa sẽ trừng phạt Myanmar sau vụ đảo chính - Ảnh 1.

Tổng thống Biden. (Ảnh: AP).

Ông Biden lên án việc quân đội tiếp quản chính phủ và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi là "cuộc tấn công trực diện vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và pháp quyền của Myanmar".

Chính biến tại Myanmar đánh dấu phép thử lớn đầu tiên với lời hứa của ông Biden là tăng cường hợp tác với các đồng minh để giải quyết thách thức quốc tế, trái ngược với phong cách hành động một mình "Nước Mỹ lên trên hết" của ông Trump.

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cao cấp cũng lên án vụ đảo chính và cảnh báo quân đội Myanmar phải chịu hậu quả.

Ông Biden phát biểu: "Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc ép quân đội Miến Điện ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ đã chiếm đoạt, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức bị bắt giữ".

"Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lên Miến Điện trong thập kỷ qua dựa trên tiến bộ hướng đến nền dân chủ. Sự đảo ngược quá trình đó sẽ buộc Mỹ ngay lập tức xem xét lại các luật và thẩm quyền trừng phạt, sau đó là các hành động phù hợp", ông Biden dùng tên gọi cũ Miến Điện để chỉ Myanmar.

Nguồn tin của Reuters cho biết chính quyền Biden đã nhanh chóng tổ chức các cuộc thảo luận nội bộ cấp cao nhằm tạo ra cách đối phó "của toàn chính phủ" đáp lại vụ đảo chính, đồng thời dự định tham vấn chặt chẽ với Quốc hội.

Ông Biden cũng yêu cầu quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả hạn chế về thông tin liên lạc và kiềm chế sử dụng bạo lực với dân thường. Ông nói rằng Mỹ sẽ "lưu ý đến tất cả những ai sát cánh cùng người dân Miến Điện trong giờ khắc khó khăn này".

"Chúng tôi sẽ làm việc cùng với các đối tác trong khu vực và thế giới để hỗ trợ sự khôi phục lại nền dân chủ và pháp quyền, đồng thời buộc những kẻ tham gia đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Miến Điện phải chịu trách nhiệm", tổng thống Mỹ cam kết.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội 83% trong cuộc bầu cử 8/11. Quân đội Myanmar nói rằng họ bắt giữ các quan chức chính phủ cấp cao để phản ứng với gian lận bầu cử.

Tham vấn "chuyên sâu"

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đã có các cuộc trò chuyện "chuyên sâu" với các đồng minh về Myanmar. Nhưng bà từ chối cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc các hành động nào ngoài việc trừng phạt.

Trong buổi họp báo, các phóng viên hỏi liệu việc ông Biden tuyên bố sẽ "lưu ý" đến cách các nước phản ứng có phải là thông điệp đến Trung Quốc hay không. Bà Psaki đáp: "Đó là thông điệp đến tất cả quốc gia trong khu vực".

Ông Robert Menendez, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói rằng Mỹ và các nước khác "nên áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt, cũng như các biện pháp khác" đối với quân đội Myanmar và giới lãnh đạo quân sự nếu họ không trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân chủ và tự rời khỏi chính phủ.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell gọi vụ bắt giữ các quan chức chính phủ cấp cao là "kinh hoàng" và yêu cầu chính quyền Biden có phản ứng cứng rắn.

Chính biến tại Myanmar là cú đánh mạnh vào nỗ lực của chính quyền Biden trong việc xây dựng chính sách cứng rắn tại châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Rất nhiều thành viên trong đội ngũ chính sách châu Á của ông Biden từng phục vụ trong chính quyền Obama. Họ coi đóng góp của Mỹ dưới thời ông Obama trong việc chấm dứt hàng thập kỷ quân đội nắm quyền tại Myanmar là thành tựu đối ngoại quan trọng. 

Ông Obama bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt lên Myanmar vào năm 2011 và gỡ bỏ phần lớn biện pháp trừng phạt còn lại vào năm 2016. Đến năm 2019 chính quyền Trump đã trừng phạt 4 chỉ huy quân đội nước này, bao gồm Tướng Min Aung Hlain với cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số.

Giang