|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗi lo Grab tăng giá cước nhìn từ câu chuyện của Didi Chuxing

21:20 | 11/04/2018
Chia sẻ
Sau khi thâu tóm mảng kinh doanh của đối thủ Uber ở thị trường Đông Nam Á, chi nhánh Grab ở Singapore cam kết trước mắt không tăng giá cước đối với hành khách đi xe của Grab và phí hoa hồng đối với tài xế nhưng theo các chuyên gia về lâu dài, Grab sẽ tăng cước phí để bù đắp các khoản lỗ mấy năm qua.
noi lo grab tang gia cuoc nhin tu cau chuyen cua didi chuxing Những đối thủ mới của Grab khi không còn Uber
noi lo grab tang gia cuoc nhin tu cau chuyen cua didi chuxing Giá cước Grab tăng do... lượng yêu cầu tăng nhanh
noi lo grab tang gia cuoc nhin tu cau chuyen cua didi chuxing
Hình vẽ logo của Grab bên ngoài văn phòng của Grab ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện của Didi Chuxing

Theo Today, các chuyên gia và các cơ quan quản lý ở Singapore đang lo ngại Grab sẽ tăng cước phí sau khi độc chiếm thị trường Singapore giống như trường hợp của hãng gọi xe Didi Chuxing sau khi thâu tóm mảng kinh doanh của Uber ở Trung Quốc.

Chỉ chỉ vài tuần sau khi mua lại mảng Uber Trung Quốc với giá 35 tỉ đô la Mỹ vào tháng 8-2016, hãng gọi xe Didi Chuxing đã tăng phí dịch vụ đi chung xe Didi Hitch lên 20% ở Bắc Kinh, trong khi đó, nhiều khách hàng ở các thành phố lớn khác ở Trung Quốc cho biết họ phải trả cước phí nhiều hơn cho Didi Chuxing cho các chặng đường giống như trước đây.

Một năm sau vụ thâu tóm, tờ Tân Hoa xã đăng bài viết chỉ trích Didi Chuxing tăng cước lên cao bất thường mà không đưa ra lời giải thích nhờ độc quyền chiếm lĩnh 90% thị trường gọi xe ở Trung Quốc. Nhiều hành khách cho biết họ phải trả thêm 50% giá cước để được Didi Chuxing ưu tiên phục vụ vào các giờ cao điểm.

Trong khi đó, giới tài xế cho biết thu nhập của họ cũng giảm mạnh so với trước đây. Anh Zhou, 29 tuổi, một tài xế hành nghệ Bắc Kinh đến từ tỉnh An Huy, từng kiếm được 500 nhân dân tệ (1,8 triệu đồng) mỗi ngày nhờ lái xe cho Uber cách đây ba năm nhưng giờ đây khoản thu nhập của anh giảm đến 40% sau khi chuyển qua lái xe cho Didi Chuxing.

Trong những năm hoạt động đầu tiên, cả Didi Chuxing lẫn Uber Trung Quốc đều tung ra các khoản thưởng để khuyến khích tài xế nhận khách qua nền tảng gọi xe của họ. Song Didi Chuxing đã cắt giảm các khoản thưởng này sau khi mua lại Uber Trung Quốc.

Các tài xế của Didi Chuxing cho biết trước đây, họ nhận thưởng lên đến 10 nhân dân tệ (36.000 đồng VN) sau mỗi sáu chuyến xe. Giờ đây, con số này chỉ còn 6 nhân dân tệ (22.000 đồng VN).

Ngoài ra phí hoa hồng mà họ phải trả cho Didi Chuxing cũng tăng lên nhiều mức khác nhau tùy theo loại dịch vụ mà họ đăng ký. “Thay đổi này chắc chắn tác động lớn đến thu nhập của tài xế. Một số đồng nghiệp của tôi đã nghỉ làm. Tôi cũng đang cân nhắc trở về quê nếu công việc không chuyển biến tốt hơn”, Zhou nói.

Grab có thể tăng giá cước để bù đắp lỗ

Sau khi Grab hoàn mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, Giám đốc Grab Singapore Lim Kell Jay cam kết sẽ không cước và phí hoa hồng trong thời gian “ngắn hạn cho đến trung hạn”. Ông nói nỗi lo của người dân về sự độc quyền của Grab là có thể hiểu được nhưng không có cơ sở khi tính cạnh tranh trên thị trường vận chuyển hành khách ở Singapore vẫn rất tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo Grab cuối cùng sẽ tăng cước phí để bù đắp các khoản thua lỗ trong những năm qua.

Dù có rất ít nghi ngờ về việc thương vụ Uber-Grab sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường vận tải trực tiếp điểm đến điểm (point-to-point transport), các chuyên gia vẫn tranh cãi liệu thương vụ này có dẫn đến sự độc quyền hay không.

Phó Giáo sư Lawrence Loh ở Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore (NUS) cho rằng, với vị thế thống lĩnh thị gọi xe của Grab, người tiêu dùng và tài xế có thể không bị ảnh hưởng vào thời gian ban đầu nếu thương vụ Uber-Grab được Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Singapore phê duyệt nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai. Ông cho rằng đến lúc nào đó sau vụ thâu tóm, Grab sẽ có những hành vi kinh doanh chống cạnh tranh

Trong khi đó, Tiến sĩ Park Byung Joon, chuyên gia về giao thông đô thị, giảng dạy tại Đại học khoa học xã hội Singapore cho rằng, sẽ là điều bình thường nếu Grab tìm cách thu hồi các khoản đầu tư sau nhiều năm vung tiền để chiếm lĩnh thị phần.

Giám đốc Grab Singapore Lim Kell Jay nhấn mạnh rằng cạnh tranh trên thị trường vận chuyển hành khách vẫn được duy trì vì người dân vẫn vẫn có nhiều sự lựa chọn đi lại khác từ taxi truyền thống cho đến phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện.

Song Phó Giáo sư Lawrence Loh cho rằng, các hình thức vận chuyển khác không phải là sự thay thế hoàn hảo cho dịch vụ gọi xe của Uber. Mạng lưới xe buýt và tàu điện ở Singapore không thể sánh với Uber và Grab về tính tiện lợi và không phải lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống chưa thể cạnh tranh nối với Grab.

Năm 2016, Didi Chuxing thâu tóm mảng kinh doanh của Uber ở Trung Quốc sau cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến Uber lỗ hai tỉ đô la Mỹ sau hai năm hoạt động ở Trung Quốc. Kể từ đó, nhiều công ty khác bao gồm công ty khởi nghiệp giao đồ ăn Meituan Dianping ở Bắc Kinh cho biết họ sẽ tham gia thị trường gọi xe.

Năm ngoái, Meituan Dianping khởi động dịch vụ gọi xe ở thành phố Nam Kinh. Công ty này đang triển khai dịch vụ gọi xe ở bảy thành phố khác của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải trong năm nay.

Dù vậy, Phó Giáo sư Yang Nan ở Trường Kinh doanh của NUS cho rằng vẫn còn quá sớm để kì vọng Meituan Dianping sẽ giúp cuộc chơi trên thị trường gọi xe ở Trung Quốc trở nên cân bằng hơn.

Tại Singapore, sau khi Uber nhượng lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab, công ty dịch vụ đi xe chung Ryde (Singapore) và công ty gọi xe Go-Jek (Indonesia) thông báo sẽ gia nhập thị trường gọi xe ở đảo quốc sư tử. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các công ty này sẽ đối mặt với nhiều rào cản bao gồm khả năng tiếp cận đội ngũ tài xế.

Tiến sĩ Park Byung Joon cho rằng rất khó để Go-Jek hoặc các đối thủ khác tuyển dụng thêm 20.000 tài xế. Họ chỉ còn cách lôi kéo các tài xế của Grab nhưng điều này sẽ rất khó vì các tài xế này có thể bị ràng buộc trong các hợp đồng làm việc dài hạn với Grab. Ngoài ra, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ứng dụng gọi xe khác cũng không phải dễ dàng khi họ đã quen với ứng dụng của Grab.

Chánh Tài