|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá cước Grab tăng do... lượng yêu cầu tăng nhanh

07:55 | 10/04/2018
Chia sẻ
Ngay sau khi Uber ngừng cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam vào ngày 8-4, đã có  người tiêu dùng than phiền trên mạng xã hội Facebook rằng khó gọi xe qua dịch vụ của Grab, doanh nghiệp đã mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á. Không chỉ vậy, một số cư dân mạng cũng kể chuyện bị tài xế hủy chuyến liên tục, và có người cho biết phải trả phí cao hơn so với mức bình quân cho cùng một đoạn đường họ từng đi.
gia cuoc grab tang do luong yeu cau tang nhanh
Nhiều cư dân mạng xã hội cho biết sau khi Uber ngừng cung cấp dịch vụ hôm 8-4, việc gọi xe Grab gặp khó, có người phải trả phí cao hơn mức bình quân trước đây cho cùng một tuyến đường. Ảnh minh họa: TL

Giá tăng bởi vắng Uber?

Từ ngày cuối tuần 8-4, khi Uber kết thúc hoạt động của ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam, số lượng yêu cầu xe Grab bỗng dưng tăng vọt. Điều này dẫn tới hệ quả là giá cước Grab của một số cuốc xe đã tăng vào nhiều thời điểm khác nhau, không phải khung giờ cao điểm giá cũng tăng. Trên ứng dụng Grab thường xuất hiện dòng chữ “giá cước tăng cao do nhu cầu tăng cao” (high fare due to high demand).

Nhiều người than trên mạng xã hội rằng do Uber ngừng dịch vụ, Grab ở tình trạng "một mình một chợ", lại thêm lượng khách hàng của Uber trước đây chuyển qua dùng Grab nên nhu cầu tăng nhanh và tăng cao. Trong khi đó, nhiều người, cho biết rằng họ thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe Grab hoặc Uber cho việc đi họp hoặc đón con cái tại trường học, thì lượng yêu cầu gia tăng nên giá cước tăng theo là chuyện bình thường. Bởi cả Uber và Grab đều có chính sách giá cước linh hoạt (surge price), nghĩa là cước sẽ tự động tăng lên gấp 1,5-2-4 lần (tùy thời điểm) và tài xế nhận cuốc xe vào thời điểm có nhiều yêu cầu gọi xe sẽ được hưởng nguồn thu cao hơn bình thường.

Cũng có một vài cư dân mạng xã hội ở Hà Nội than thở cước của Grab lúc này tăng cao, so với giá taxi truyền thống cao gần gấp đôi. Điều này là hợp lý vì giá cước taxi truyền thống chỉ cao hơn giá Grab lúc bình thường, còn vào những thời điểm cước Grab nhân lên gấp đôi, gấp ba lần thì cước taxi sẽ thấp hơn.

Trên thực tế, vào tối ngày 9-4, TBKTSG Online đã đặt một cuốc xe Grab theo đúng hành trình mà nhiều Facebooker than phiền là giá tăng so với taxi truyền thống (dù không vào giờ cao điểm) và được báo cước là 53.000 đồng, còn cước taxi 4 chỗ là 54.000 đồng.

Không có nhiều sự lựa chọn

Hiện tại, dù biết gọi dịch vụ Grab, bao gồm GrabBike hoặc GrabCar, giá sẽ tăng do lượng người yêu cầu xe tăng lên, thế nhưng người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn, bởi đâu còn UberMoto hoặc UberX để thay thế. Nhiều người lại không chọn taxi truyền thống bởi cho rằng xe không mới, dịch vụ không chuyên nghiệp bằng, không ra dáng “xe riêng”… như Uber hoặc Grab.

Cũng đã xuất hiện một số ứng dụng gọi xe nội địa nhằm “thế chân” Uber sau ngày 8-4 như VATO, T.Net… nhưng khách hàng vẫn khó gọi xe và gặp một số trục trặc nhất định do các ứng dụng này chưa quen với việc tiếp nhận số lượng lớn yêu cầu gọi xe (từ khách hàng Uber chuyển qua).

Vốn đã quen sử dụng Uber nên khi chọn phương tiện thay thế, đa phần khách hàng đã dùng Uber vẫn chọn Grab. Vẫn có một số tính năng giữa hai ứng dụng này cũng có sự khác biệt như khách hàng hủy chuyến thoải mái mà không bị “rớt sao” hoặc trừ tiền, tài xế phải chờ khách hàng chứ không được “tự do” hủy cuốc…

Theo anh Hoàng Nam, nhà ở quận Bình Thạnh, giao diện của ứng dụng Grab cũng khá giống Uber nên khi chuyển qua là dùng được ngay. Cả hai bên (tức Uber và Grab) đều tặng code (mã) khuyến mãi cho khách hàng mỗi tuần nên dùng đi xe cũng thoải mái…

Vào cuối tuần trước, các tài xế Uber đã kiếm khá nhiều do hệ thống gọi xe của Grab gặp sự cố kỹ thuật, khách hàng không thể gọi xe và chuyển qua gọi Uber. Giá lập tức nhân lên theo đúng tinh thần “giá linh hoạt của Uber”. Số cuốc xe gọi UberX cứ tăng liên tục và tài xế chạy mệt nghỉ.

Do đó, khi Uber rút lui khỏi thị trường thì cũng tương tự, một lượng không nhỏ khách hàng đang sử dụng Uber sẽ chuyển qua dùng Grab, dẫn tới nhu cầu tăng cao. Mặc dù khách hàng của Uber chuyển qua Grab thì tài xế đang chạy Uber cũng chuyển qua nền tảng này, nhưng trên thực tế trước đó đã có khá nhiều tài xế đăng ký hoạt động trên cả hai dịch vụ (ứng dụng) Uber và Grab nên số lượng tài xế qua Grab không tăng nhiều bằng lượng khách hàng.

Hy vọng, các "tân binh" VATO, T.Net cũng như một số ứng dụng gọi xe mới sẽ nhanh chóng nâng cao năng lực phục vụ cùng tính chuyên nghiệp của mình, để góp phần “chia lửa” cho Grab. Khách hàng cũng sẽ có thêm sự lựa chọn khi muốn gọi taxi hoặc xe ôm "công nghệ" mà không lo bị rơi vào cảnh bị tăng cước do nhu cầu gọi xe gia tăng.

Chí Thịnh