|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nikkei: Game NFT sẽ thất bại ở châu Á nếu không thể đem lại niềm vui cho người chơi

16:30 | 13/10/2022
Chia sẻ
Các quốc gia ở châu Á sở tỷ lệ sở hữu tài sản NFT cao hơn so với những khu vực khác. Điều này đã thúc đẩy các công ty game trong khu vực đầu tư phát triển các tựa game NFT theo mô hình play-to-earn (chơi để kiếm tiền).

Năm ngoái, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ người Mỹ được biết đến với cái tên Beeple đã được bán với giá 69,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá trực tuyến do Christie's tổ chức, theo Asia Nikkei.

Những gì người mua thực sự có được là một mã thông báo không thể thay thế (NFT), một tập hợp thông tin kỹ thuật số chứng minh quyền sở hữu của họ đối với tác phẩm nghệ thuật và ghi lại sự khan hiếm cũng như nguồn gốc của tác phẩm.

Cho đến gần đây, nhiều công ty và nhà đầu tư vẫn tin rằng NFT có thể là tài sản của tương lai. Điều này đã tạo ra một sự bùng nổ trên toàn cầu, phần lớn được thúc đẩy bởi đầu cơ và cảm giác rằng số tiền thay đổi cuộc sống có thể đạt được chỉ đơn giản bằng cách đảm bảo đúng “không thể thay thế”.

NFT vẫn tồn tại kể cả khi thị trường tiền điện tử lao dốc

Bước sang năm 2022, “mùa đông tiền điện tử” đã xuất hiện khi hàng loạt đồng tiền số lao dốc, với đỉnh điểm là cú sốc mang tên LUNA. Thị trường NFT vì vậy cũng đi ngang, các bộ sưu tập đã giảm mạnh về giá trị và gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

NFT đã không biến mất bất chấp sự sụt giảm về giá cả và khối lượng bán ra. Đây còn là thời cơ để mọi người tập trung kỹ hơn vào giá trị thực của NFT, cách đầu tiên và duy nhất để chứng minh rộng rãi quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số.

Mọi người vẫn quan tâm tới NFT dù thị trường tiền số đã lao dốc trong năm nay. (Ảnh: Asia Nikkei).

Các công ty và tổ chức lớn ở châu Á đang nỗ lực đầu tư vào NFT, không phải vì định giá cao mà vì họ nhìn thấy tiềm năng về tiện ích thực sự. Tháng trước, chuỗi cửa hàng cà phê Tom N Toms của Hàn Quốc đã ra mắt thị trường nghệ thuật NFT của riêng mình. Thành phố Seongnam của Hàn Quốc cũng có kế hoạch phát hành NFT vào năm tới để trao quyền công dân cho chủ sở hữu. Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bắt đầu trao thưởng cho các quan chức địa phương bằng tài sản NFT để ghi nhận những đổi mới công nghệ trong quản trị.

Finder, một nền tảng thông tin tài chính trực tuyến, năm ngoái đã khảo sát 28.000 người ở 20 quốc gia về quan điểm của họ đối với NFT. Philippines đã trở thành quốc gia dẫn đầu với 32% số người được hỏi nói rằng họ đã sở hữu ít nhất một tài sản NFT. Thái Lan và Malaysia cũng không kém cạnh. Trong khi đó, chỉ 2,8% người Mỹ cho biết họ sở hữu NFT.

Thị trường game NFT bùng nổ

Trong số các lĩnh vực, có lẽ game là nơi mà tài sản NFT phát triển nhất. Các công ty như Temasek của Singapore và Animoca Brands của Hong Kong đã đầu tư rất nhiều vào các công ty game NFT để thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của tài sản kỹ thuật số này.

Công ty game Nhật Bản Square Enix đã hợp tác với đơn vị cung cấp ứng dụng trò chuyện Line để đưa công nghệ NFT vào các trò chơi của mình. Sega Sammy Holdings và Bandai Namco Entertainment cũng đầu tư vào công nghệ blockchain dành riêng cho trò chơi mà NFT có thể dựa trên đó để hoạt động.

Mặc khác, một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực game lại cố gắng tránh xa NFT. Thị trường trò chơi trực tuyến Steam không cấp phép cho các tựa game NFT, trong khi Electronic Arts cho đến nay cũng tránh xa NFT.

Nền tảng Minecraft đã cấm các tài sản NFT khỏi hệ thống của họ từ tháng 7. Nhà điều hành của tựa game này, Mojang Studios thuộc sở hữu của Microsoft, trích dẫn lo lắng về nguy cơ gian lận và nói rằng NFT không phù hợp với các giá trị của Minecraft.

Niềm vui, yếu tố giữ chân người chơi game NFT

Mô hình phổ biến trong làn sóng game NFT là người dùng mua "drops" NFT phiên bản giới hạn, cung cấp cho họ các nhân vật mới để chơi trò chơi. Họ có thể hợp nhất các nhân vật để tạo ra các phiên bản mạnh hơn mà sau đó có thể sử dụng để chiến đấu với nhau hoặc bán cho những người chơi khác, hưởng lợi từ quyền sở hữu được kích hoạt bởi công nghệ NFT.

Mô hình chơi để kiếm tiền (play-to-earn) có những sai sót. Giá trị tăng vọt có nghĩa là một người có thể phải chi cả trăm USD để bắt đầu chơi một tựa game NFT. Cách chơi quá đơn giản hoặc không có gì lôi cuốn cũng đồng nghĩa với việc sẽ có rất ít giá trị có thể khiến người chơi gắn bó lâu dài với tựa game. Thông thường, mọi người chỉ tham gia chơi với mục đích kiếm tiền.

Axie Infinity từng tạo ra cơn sốt trên thị trường game NFT. (Ảnh: Asia Nikkei).

Theo Asia Nikkei, mô hình này không bền vững. Sự suy thoái của thị trường có nghĩa là các NFT được mua với giá hơn 350 USD trước đây có thể giảm xuống dưới 10 USD vào ngày hôm sau. Ở Đông Nam Á, mô hình game play-to-earn đã bùng nổ với sự nổi lên của tựa game Axie Infinity. Dù vậy, sự cố mã thông báo của trò chơi và vụ trộm 620 triệu USD khiến nhiều người từ bỏ tựa game này.

Theo dự đoán của công ty nghiên cứu thị trường Statista, các game thủ sẽ chi hơn 65 tỷ USD để mua game trong năm nay. Chúng bao gồm các đồ vật hữu ích như vũ khí, đồ trang trí, skin,… Các giao dịch mua này thực tế không mang lại cho người chơi quyền sở hữu thực sự trong hầu hết trường hợp vì các vật phẩm không thể được nhìn thấy hoặc sử dụng bên ngoài trò chơi cụ thể mà chúng được phát hành và sẽ ngừng tồn tại nếu trò chơi tự tắt.

NFT sẽ cho phép người chơi kiểm soát những gì họ làm với các vật phẩm họ mua hoặc kiếm được thông qua trò chơi. Giờ đây, một thế hệ trò chơi mới dựa trên NFT đang xuất hiện, theo mô hình play-to-earn, trong đó quy tắc đầu tiên là trò chơi phải tạo ra sự thú vị.

Một thị trường tăng trưởng nóng đã khiến mọi người quên đi những gì mà NFT có thể đem lại. Nếu ai đó luôn lo lắng về việc bộ sưu tập của mình trị giá bao nhiêu và liệu có nên mua, bán hay giữ các món đồ, điều đó sẽ làm mất đi tiện ích cơ bản của việc chứng minh quyền sở hữu. Theo Asia Nikkei, “mùa đông tiền điện tử” sẽ dọn đường cho các tựa game NFT nở rộ trở lại.

Doanh Chính