|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

KPMG và HSBC: Bất chấp 'mùa đông tiền điện tử', các startup NFT và DeFi châu Á vẫn có nhiều cơ hội trở thành kỳ lân

07:59 | 20/07/2022
Chia sẻ
Mặc dù thị trường tài sản kỹ thuật số nói chung và tiền điện tử nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn, song những startup hoạt động trong lĩnh vực này vẫn có tiềm năng vươn mình, trở thành những kỳ lân tỷ USD tiếp theo.

Khoảng 1/4 trong số hơn 6.000 công ty khởi nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương đang tham gia vào thị trường các mã thông báo không thể thay thế (NFT) và tài chính phi tập trung (DeFi) như các hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, theo South China Morning Post.

Cụ thể, theo một nghiên cứu chung của KPMG và HSBC, NFT và DeFi là hai trong số những thị trường đang gặp khó khăn, nhưng vẫn có tiềm năng tạo ra các công ty kỳ lân thống trị thế giới.

Trong số này, một startup dựa trên nền tảng DeFi của Singapore là Stader Labs; nền tảng trò chơi blockchain Catheon Gaming của Hong Kong và nhà cung cấp dịch vụ giám sát tiền điện tử Hex Trust là những cái tên xuất hiện trong danh sách 100 startup hàng đầu do KPMG và HSBC công bố.

Báo cáo chung đã chọn ra 100 công ty có tiềm năng trở thành kỳ lân - các startup tư nhân được định giá từ 1 tỷ USD trở lên - từ 6.472 công ty khởi nghiệp có giá trị từ 500 triệu USD trở xuống.

Báo cáo về “những gã khổng lồ mới nổi” được khảo sát trên 12 thị trường, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Úc và Nhật Bản, là báo cáo đầu tiên được KPMG và HSBC thực hiện, nhằm đánh giá sự đa dạng của nền kinh tế mới đang phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các công ty đã hoàn thành báo cáo ngay trước khi thị trường tiền điện tử bước vào "mùa đông tiền điện tử" sau cú sốc mang tên Luna, với sự ra đời của các nền tảng cho vay như C Network và quỹ đầu cơ Three Arrows Capital khiến các nhà đầu tư lo sợ, đồng thời thổi bay 2/3 giá vốn hóa thị trường của tài sản tiền điện tử xuống còn 1.100 tỷ USD.

Các startup về NFT và DeFi còn nhiều cơ hội phát triển. (Ảnh: Shutterstock).

Darren Yong, người đứng đầu bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) của KPMG châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi tin rằng các công ty blockchain và tài sản tiền điện tử nói chung sẽ phục hồi trở lại vào một thời điểm nào đó. Sẽ có sự hồi sinh của các ứng dụng, nếu những con kỳ lân này mang lại giá trị thì chúng sẽ nổi lên như một “Amazon thế hệ mới”.

Các công ty khởi nghiệp mới nổi này hứa hẹn sẽ thay đổi cách thức thanh toán có thể được thực hiện xuyên quốc gia trong thời gian gần bằng cách cắt giảm các lớp trung gian. Điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch.

Ông Yong nói thêm rằng giá trị của công nghệ blockchain được nhấn mạnh bởi sự phát triển của nền tảng metaverse. Hứa hẹn một không gian trực tuyến ba chiều sống động, được tạo ra bởi sự hội tụ của nhiều loại công nghệ, metaverse sẽ thúc đẩy một nền kinh tế mà Citi dự đoán sẽ phát triển, cán mốc giá trị từ 8.000 đến 13.000 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài NFT và DeFi, báo cáo của KPMG và HSBC đã xác định các công ty khởi nghiệp trong 120 phân ngành, bao gồm ô tô điện, điện toán lượng tử, internet vạn vật, robot và trí tuệ nhân tạo. Các tác giả của báo cáo đã chọn ra 100 công ty nổi bật dựa trên số tiền đầu tư mạo hiểm huy động được và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Trung Quốc sở hữu số lượng kỳ lân nhiều nhất châu Á - Thái Bình Dương

Trong số các quốc gia ở châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đóng góp nhiều công ty khởi nghiệp nhất trong danh sách các ứng cử viên cho những kỳ lân tiếp theo, với tỷ lệ lần lượt là 33%, 30% và 13%.

Theo báo cáo, bất chấp những quy định nghiêm ngặt mà chính phủ Trung Quốc ban hành nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của những công ty nền tảng internet, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục thu hút nguồn vốn tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng của họ.

Theo báo cáo của China Daily, tính riêng trong năm 2021, Trung Quốc đã có thêm 50 kỳ lân, nâng tổng số kỳ lân của quốc gia này lên 300 và củng cố vị trí là thị trường kỳ lân lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã tăng 1/3 trong năm ngoái lên mức 106 tỷ USD.

Một số ví dụ về 10 công ty khởi nghiệp triển vọng hàng đầu của Trung Quốc, theo KPMG và HSBC, bao gồm BioMind, một nền tảng y tế AI cung cấp chẩn đoán khối u não và bệnh mạch máu hoặc HuoMao TV, một nền tảng phát trực tiếp cho các tựa game esport.

Những phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo rằng công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Sequoia Capital đang gần hoàn thành việc gây quỹ từ 8 đến 9 tỷ USD từ một số quỹ khác nhằm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc.

Ngoài ra, Qiming Venture Partners trong tháng này đã hoàn thành việc gây quỹ cho các quỹ USD và nhân dân tệ của mình, với tổng trị giá 3,2 tỷ USD và mục đích tương tự Sequoia Capital.

Allen Lu, trưởng bộ phận kiểm toán TMT tại KPMG Trung Quốc cho biết: “Trong quá khứ, đầu tư mạo hiểm chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Bây giờ chúng ta bắt đầu thấy các công ty phần cứng và B2B được chú ý nhiều hơn”.

Quốc Anh

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.