|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm cổ phiếu nào tăng sốc, giảm sâu sau tin tích cực về vắc xin COVID-19?

00:28 | 10/11/2020
Chia sẻ
Sau khi Pfizer và BioNTech công bố thông tin vắc xin COVID-19 do hai tập đoàn này phát triển có tỉ lệ hiệu quả lên tới 90%, các chỉ số chứng khoán Mỹ và thế giới lập tức tăng nóng. Khi đi sâu vào từng nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ thấy những màu sắc xanh-đỏ rất khác biệt.

Sáng 9/11 theo giờ Mỹ, hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức thông báo loại vắc xin COVID-19 do hai công ty này phát triển có hiệu quả phòng bệnh tới 90% - cao hơn nhiều so với kì vọng của giới chuyên gia.

Trước đó, Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng từng nhận định rằng hiệu quả vắc xin chỉ cần đạt 50%-60% là có thể chấp nhận được. Nếu sớm được cấp phép, hai công ty này tự tin có thể sản xuất khoảng 50 triệu liều vắc xin trong năm nay và khoảng 1,3 tỉ liều nữa trong năm sau.

Nếu có vắc xin, các hoạt động kinh tế đang bị kìm hãm vì đại dịch có thể sớm được nối lại. Nhiều ngành sản xuất kinh doanh sẽ "bung lụa" sau nhiều tháng sống trong xiềng xích của đại dịch.

Bloomberg dẫn lời ông Chris Larkin - Giám đốc giao dịch và sản phẩm đầu tư tại E*Trade Financial nhận xét: "Thị trường giá lên hiện nay có động lực rất lớn để tiếp tục tăng điểm. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng có nhiều thông tin chắc chắn hơn, lợi nhuận doanh nghiệp quí III khả quan và thông tin vắc xin COVID-19 cực kì tích cực, hầu như không gì có thể kìm hãm được đà tăng của thị trường chứng khoán".

Trong số các cổ phiếu hưởng lợi từ tin tức tích cực này, đầu tiên phải kể đến hai công ty phát triển phát triển ra loại vắc xin. Trong phiên giao dịch sáng 9/11, cổ phiếu Pfizer tại Mỹ có lúc tăng gần 9%, cổ phiếu BioNTech giao dịch trên sàn Nasdaq cũng có lúc vọt lên 14%. 

Cổ phiếu tài chính, hàng không, năng lượng bứt phá

Nhìn chung khi có vắc xin, hoạt động kinh tế sẽ được nối lại, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính như vay ngân hàng, mở thẻ tín dụng, mua bảo hiểm, … cũng sẽ tăng lên. Trong top 8 cổ phiếu tăng mạnh nhất chỉ số Dow Jones có tới 4 cổ phiếu thuộc nhóm tài chính là American Express (+18%), JPMorgan Chase (11%), Visa (8%) và Travelers (7%).

Hàng không và du thuyền là hai nhóm doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh và giá cổ phiếu cũng lao dốc thê thảm nhất. Giờ đây khi có hi vọng về việc COVID-19 sắp được khống chế, cổ phiếu hàng không – du thuyền cũng bật dậy mạnh mẽ nhất.

Royal Caribbean Cruises và Norwegian Cruise Line tăng lần lượt 25% và 26%, một hãng du thuyền khác là Carnival tỏ ra vượt trội với mức tăng 35%.

Cổ phiếu của tứ đại gia hàng không Delta, American, United và Southwest đều tăng trong khoảng 11-18%. Cổ phiếu hãng chế tạo tàu bay Boeing - một thành viên của chỉ số Dow Jones - bật tăng gần 12%. Nhà đầu tư hi vọng rằng nếu nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không được phục hồi, nhu cầu mua sắm tàu bay của các hãng cũng sẽ đi lên theo.

Tại London, cổ phiếu IAG - công ty sở hữu hãng hàng không 5 sao British Airways - tăng 25%. 

Rolls-Royce ngoài sản xuất siêu xe Phantom Rồng Vàng và Lửa Thiêng cho các đại gia Việt còn nổi tiếng trong ngành chế tạo động cơ tàu bay. Cổ phiếu Rolls-Royce trong phiên 9/11 tăng với tốc độ chóng mặt 85% - đứng đầu chỉ số FTSE 100 của Anh.

Nhóm cổ phiếu nào tăng sốc, giảm sâu sau tin tích cực về vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Tàu bay A380 của British Airways phải nằm đất vì COVID-19. (Ảnh: AirTeamImages)

Một nhân tố không thể thiếu trong các đợt hồi phục kinh tế chính là năng lượng. Cổ phiếu tập đoàn dầu khí Mỹ ConocoPhillips vọt lên 15%, Chevron - một thành viên của Dow Jones - tăng 12%. Cổ phiếu đại gia dầu mỏ BP tại London tăng 16%, Shell tại Hà Lan cũng bứt phá 13%.

Cổ phiếu công nghệ, vàng đi xuống

Trái với Pfizer và BioNTech, hai cổ phiếu trong ngành y tế khác là Biogen và Hologic lại sụt lần lượt 29% và 7%. Cổ phiếu hãng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ xa Teladoc Health giảm 8% do người dân trong tương lai có thể sẽ giảm sử dụng dịch vụ này.

Các cổ phiếu công nghệ lao dốc hàng loạt. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, người dân phải ở trong nhà nhiều khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghệ - bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm - tăng cao. Nếu có vắc xin, hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường, sản phẩm công nghệ sẽ bị "thất sủng".

Phiên sáng 9/11 tại Mỹ, cổ phiếu ứng dụng họp trực tuyến Zoom Video sụt 13%, đại gia thương mại điện tử Amazon cũng mất 3%, hãng phát phim trực tuyến Netlfix giảm 6%. Facebook cũng giảm 2%.

Cổ phiếu Microsoft và Apple tăng lần lượt 1% và 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite kết phiên trong sắc đỏ trong khi Dow Jones và S&P 500 cùng tăng mạnh.

Giá vàng phiên 9/11 sụt 5% xuống còn khoảng 1.852 USD/ounce. Khi đại dịch lan rộng, vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên khi có vắc xin, nhà đầu tư sẽ bán vàng để chuyển sang các tài sản rủi ro và tiềm năng lợi nhuận cao hơn. 

Cổ phiếu Barrick Gold - công ty khai thác vàng mà tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett mua cổ phần tháng 8 vừa qua - giảm gần 7% trong phiên 9/11.

Song Ngọc