Nhìn lại cơn sốt đất phi mã tại Đà Nẵng ngay sau tết Kỷ Hợi
Giá đất tăng phi mã sau tết Kỷ Hợi
Thời gian vừa qua,trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng, Đà Nẵng chuẩn bị thành lập quận mới mang tên quận Hiếu Đức. Quận này được thành lập trên cơ sở tách từ bốn xã của huyện Hòa Vang gồm: Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến. Đi kèm với thông tin này là việc rao bán các lô đất với giá từ 1,3-1,8 tỷ đồng tại khu vực các xã nêu trên đã khiến cho một số khu vực thời gian vừa qua trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Do đó, cò đất cũng thi nhau đổ bộ về các thôn xóm thuộc xã Hòa Tiến, Hòa Châu…, huyện Hòa Vang hỏi mua đất vườn, đất ở nông thôn của dân. Theo báo chí phản ánh, giá đất trên địa bàn TP Đà Nẵng từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay tăng vọt đối với đất nền dự án và nhà ở trong các hẻm và vùng thôn quê. Nhiều lô đất tăng giá chóng mặt theo từng ngày.
Giá đất nền nhiều khu vực tại Đà Nẵng đang có sự tăng tốc nhanh sau Tết Nguyên đán. (Nguồn: Báo đầu tư bất động sản)
Theo thông tin từ Báo Pháp luật TP HCM, các mảnh đất còn nguyên bụi tre, gốc rạ cũng được cò trả giá thấp nhất 700 triệu đồng một lô 200 m2. Một tháng sau Tết, mức giá đã lên 1,5-2 tỉ đồng. Thấy đất được giá, người dân đua nhau lấp ao cá, ruộng vườn để bán, rồi chỉ vài ngày sau tiếc nuối vì chủ đất mới bán lại lời gấp hai, ba lần. Có lô đất khoảng 120 m2 chỉ có giá khoảng 400 triệu đồng năm 2018 nhưng vào thời điểm tháng 3 vừa qua giá lô đất này đã được thổi lên 1 tỷ đồng.
Báo chí phản ánh, không chỉ riêng huyện Hòa Vang mà giá đất tại khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cũng đang chứng kiến mức tăng phi mã. Thời điểm trước Tết Kỷ Hợi, các lô đất nền diện tích khoảng 100 m2 ở khu vực Hòa Xuân có mức giá từ 3 - 5 tỷ đồng (tùy vị trí). Tuy vậy, chỉ trong 2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các sản phẩm đất nền tại đây đã nhanh chóng tăng thêm 600 - 800 triệu đồng mỗi lô và lập đỉnh mức giá mới.
Sức nóng tại khu vực Hòa Xuân đã kéo theo giá đất các khu vực còn lại lên cao. Tại Dự án Khu đô thị 7B, Khu quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, mặc dù vướng rất nhiều lùm xùm về mặt pháp lý trong năm 2018, nhưng mức giá sau Tết Nguyên đán cũng đã lên mức kỷ lục, trên 20 triệu đồng/m2.Trong khi đó, trước Tết mức giá chỉ vào khoảng 13 - 17 triệu đồng/m2. Thậm chí, cách đây 2 năm, giá đất khu vực này chỉ vào khoảng 200 - 250 triệu đồng/lô.
Nhiều sàn giao dịch nhà đất tại Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân của sơn sốt đất trên là do liên tục có các thông tin mang tính kích thích thị trường như: có chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, tăng tổng vốn đầu tư từ 458 tỷ đồng lên 1.823 tỷ đồng (tăng 400%) vào dự án Khu đô thị Thủy Tú… khiến cho giá đất của các khu đô thị Golden Hills, Dragon Smart, Lakeside Palace, Eco Charm và đất nền nhiều khu dân cư lân cận… tăng nóng.
Hiện, giá đất mặt tiền đường 7,5m của khu đô thị Golden Hills đã lên 26-30 triệu đồng/m2, đất đường 5,5m tăng từ 20-23 triệu đồng/m2, đất đường 33m là 37-40 triệu đồng/m2…, tăng đáng kể so với thời điểm trước Tết.
Cảnh giác trước chiêu trò "thổi giá" của cò đất
Mảnh vườn 100 m2 ở nông thôn được cò đất hỏi mua với giá hơn 800 triệu đồng (Nguồn: Báo pháp luật TPHCM)
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến cho một số nơi tại Đà Nẵng xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ là do cò đất tung tin đồn thành lập quận mới. Tuy nhiên, trả lời PV Tuổi Trẻ mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc chia tách huyện Hòa Vang thành hai đơn vị hành chính là tin đồn thất thiệt.
Ông Đồng cho biết thêm, căn cứ vào Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Hòa Vang không đủ tiêu chuẩn để chia tách thành hai đơn vị hành chính. Vì vậy, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây về việc thành phố Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác.
Hơn nữa, thành phố cũng đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" nên càng không có lý do để chia tách huyện Hòa Vang.
Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang vừa có ý kiến chỉ đạo: "Giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân cần phải thận trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để cho con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.
UBND huyện cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng thông báo rộng rãi để người dân nắm rõ tình hình "sốt" đất ảo trên địa bàn huyện, tránh tình trạng "sập bẫy" nhóm "cò" gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cá nhân, gia đình, tình hình ANTT xã hội...".
Trước đó không lâu, cũng tại huyện này, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 3126/VP-NC gửi Công an TP Đà Nẵng, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc xử lý văn bản giả để đẩy giá đất "sốt ảo".
Trước thông tin nhiễu loạn giá đất tại Đà Nẵng, không chỉ người dân mà cả các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng cho rằng giá bất động sản Đà Nẵng vẫn chưa đến đỉnh điểm khai thác và sẽ vẫn tăng trong tương lai. Hiện nay, chênh lệch giá thị trường và các điều kiện hạ tầng, dân sinh đi cùng còn quá lớn. Hơn nữa, tâm lý "lướt sóng" thị trường của nhà đầu tư, tình trạng cò mồi thổi giá và tạo giao dịch ảo của nhà môi giới bất động sản vẫn đang diễn ra phổ biến. Vì thế, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước việc sốt đất này.