Những lần cò vẽ sóng sốt đất, hưởng lợi tiền tỷ ở Đà Nẵng
Nhắc lại thời gian đầu tháng 10/2018, nhiều người dân Đà Nẵng vẫn còn sửng sốt việc thổi giá đất của cò khi có thông tin dự án Cảng Liên Chiểu, khu du lịch sinh thái Nam Ô, Xuân Thiều ở quận Liên Chiểu sẽ triển khai.
Thời điểm đó, hàng trăm phương tiện xe máy, ô tô đổ về khu tái định cư Hòa Liên 2,3,4,5 mỗi ngày để mua bán đất. Một lô đất 100 m2 và đường 5,5 m có giá 700 - 800 triệu đồng/lô được cò đất thổi lên 1,2 - 1,7 tỷ đồng. Cá biệt, có lô bị đẩy lên hơn 2 tỷ đồng.
Theo quan sát của người viết vào thời điểm này, giá đất tăng cao ngất ngưởng, cò đất có giao dịch và hưởng trăm triệu đến cả tỷ đồng tiền hoa hồng.
Theo một nhà đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng, thời điểm đó, một nhóm người mua đất tái định cư của người dân với giá rẻ, sau đó tạo thông tin sốt ảo, đẩy giá. Nhiều người thấy vậy lao vào đã sập bẫy.
Sau lần vẽ sóng tạo sốt ảo, đất tái định cư vẫn còn bỏ đó, không có người ở trên những lô đã giao dịch cho đến nay.
Giá đất cũng đã giảm khoảng 100 triệu/lô, còn khoảng trung bình 1,3 tỷ đồng/lô nhưng ít người quan tâm vì giá đã quá cao, xa trung tâm, tiện ích không có.
Lần thứ hai cò vẽ sóng sốt đất là một tháng sau đó - tháng 11/2018. Trên mạng xã hội, các nhóm buôn bán đất Đà Nẵng dậy sóng với văn bản giả mạo việc thành phố phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Việc mua bán đất diễn ra sôi động khi xuất hiện văn bản giả mạo này. Các cò đất đẩy giá đất lên hơn 1 tỷ đồng/lô, một lô đất diện tích 120 m2 có giá hơn 3,5 tỷ đồng.
Tổ Công tác Thông tin báo chí của UBND TP Đà Nẵng ngay lập tức đã có thông báo gửi các cơ quan báo chí về việc văn bản giả mạo UBND TP Đà Nẵng tạo cơn sốt đất ở quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn.
Thông cáo khẳng định, văn bản về việc phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là giả mạo, không phải văn bản thật.
Theo chính quyền thành phố, mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này của người đăng với ý đồ tạo cơn sốt đất. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xử lý.
Kết quả điều tra, xử lý người giả mạo văn bản sau đó chưa được công bố. Tuy nhiên, khảo sát vào thời điểm đó cho thấy, giá đất ở Hòa Xuân đã tăng vùn vụt, cò đất hưởng lợi hoa hồng mỗi giao dịch khi đó. Người sở hữu đất cũng bán đi thu về tiền tỷ.
Sau hai lần gây sốt nói trên, tháng 3/2019, dư luận TP Đà Nẵng lại một lần nữa xôn xao việc cò đất đổ xô về các xã của huyện Hòa Vang gồm Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước…để mua đất của người dân.
Giá đất thổ cư của người dân trung bình 2-3 triệu đồng/m2 cho lô 100 m2 được cò đất mua, đẩy giá lên chót vót 12-13 triệu/m2. Nhu cầu mua bán rất cao, người dân bán nhiều, giá cứ như vậy tiếp tục bị đẩy lên.
Thời điểm đó, một cò đất giới thiệu với người viết lô đất 72,5 m2 ở xã Hòa Tiến với giá 1,1 tỷ đồng. Một lô đất khác 100 m2, chỉ cách lô đất này hơn 200 m, bán với giá 1,4 tỷ đồng; lô 98 m2 bán 1,3 tỷ đồng. Năm 2020, các lô đất trên đã được bán, giá đẩy lên thêm 50-100 triệu đồng mỗi lô.
Các lô đất tái định cư, đường nhựa ở các xã của huyện Hòa Vang có giá cao hơn, trung bình 17 triệu đồng/m2.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Hòa Vang đã có công văn giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân cần phải thận trọng trong việc mua bán đất.
UBND huyện Hòa Vang yêu cầu các lãnh đạo địa phương thông báo rộng rãi để người dân nắm bắt rõ tình hình sốt đất ảo trên địa bàn huyện. Tránh tình trạng bị sập bẫy nhóm cò đất gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cá nhân, gia đình.
Trong công văn nêu rõ: "Giới cò đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi. Người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bản hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để cho con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài…”.
Theo ghi nhận của chúng tôi hiện nay, giá đất ở huyện Hòa Vang đang đứng lại, người mua ít quan tâm. Lý do cũng bởi vì giá đất đã tăng quá cao, trung bình 13-14 triệu đồng/m2.
"Sau giai đoạn sốt hơn 3 - 4 năm trước, mặt bằng giá đất đã bị đẩy quá cao. Người có nhu cầu mua ở thật cũng lắc đầu vì giá chót vót. Thành phố cũng không có dự án đất nền mới, chỉ có dự án cũ, mua đi bán lại.
Đất Đà Nẵng tiếp tục đứng hoặc giảm nhẹ. Tăng nóng, sốt là khó xảy ra trong năm 2021 và có thể hết năm 2022", một nhà đầu tư đất ở Đà Nẵng nhận định.
Sang năm 2021, thời điểm sau Tết Nguyên đán, cò đất Đà Nẵng lần thứ tư dùng đủ chiêu trò thổi giá.
Cụ thể, nhiều cò đất phao tin "có đại gia từ Hà Nội, TP HCM đang tìm mua, gom đất Đà Nẵng, hay đất Đà Nẵng và Quảng Nam đang ấm trở lại từ sau Tết, đến tháng 6 là tăng cao,…". Các lô đất được cò rao bán chủ yếu ở khu vực phía Nam Đà Nẵng.
Đơn cử như các lô đất ở khu vực Hòa Xuân, FPT City được rao bán cao hơn so với giá năm 2020 khoảng 100 - 200 triệu đồng, tùy theo diện tích và vị trí.
Theo nhân viên Phòng kinh doanh của một công ty BĐS ở Đà Nẵng, các lô đất rao bán không có thật vì không có chủ muốn bán hoặc có thể có nhưng chỉ một vài lô và nhiều cò cùng rao. Cùng thời điểm này, nhiều thông tin trên mạng đăng tải việc Đà Nẵng rập rình tăng giá đất.
UBND TP Đà Nẵng ngay lập tức phát đi thông cáo báo chí, cảnh báo đó là thông tin chưa chính xác, không có cơ sở.
Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố đang rà soát và sẽ xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế để phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19. Việc vẽ sốt đất ngay lập tức bị đã bị dập tắt.