|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quỹ đất của những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ

08:28 | 03/09/2021
Chia sẻ
Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp bất động sản kín tiếng, có tiềm lực nhất định tại địa phương và sở hữu quỹ đất lớn.

Tỷ phú Xuân Trường và loạt dự án tâm linh khủng

Những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ - Ảnh 1.

Khu du lịch Tam Chúc tại Hà Nam có quy mô hơn 5.000 ha. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường).

Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường tại Ninh Bình của ông Nguyễn Văn Trường, thường được gọi với cái tên "tỷ phú Xuân Trường" nổi tiếng với nhiều dự án tâm linh trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại khu vực phía Bắc.

Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/1993, đến nay đã phát triển được các dự án lớn như Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc quy mô 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha). Dự án được động thổ vào tháng 2/2016 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tại Ninh Bình, Xuân Trường là chủ đầu tư Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính. Dự án được xây dựng năm 2006 với quy mô hơn 2.700 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng.

Trong đó, Chùa Bái Đính có diện tích 539 ha (27 ha là các chùa cổ và 80 ha là những chùa mới) và Khu du lịch sinh thái Tràng An có diện tích 2.168 ha, nằm trên địa bàn 8 xã/phường thuộc huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Xuân Trường còn là chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương. Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn ba xã Phú Lộc, Phú Long, Kỳ Phú (huyện Nho Quan) với tổng vốn đầu tư hơn 1.716 tỷ đồng.

Tại Hà Nam, doanh nghiệp tư nhân này là chủ đầu tư Khu du lịch Tam Chúc, thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Dự án có tổng diện tích gần 5.100 ha, trong đó diện tích hồ nước 1.000 ha, núi đá tự nhiên rộng 3.000 ha và các thung lũng rộng 1.100 ha.

Trước đó, cuối năm 2015, tỷ phú Xuân Trường đã có tờ trình đề nghị TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Khu du lịch đảo Cái Tráp).

Theo đề xuất, dự án có quy mô 450 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin về việc triển khai dự án.

Giữa năm 2018, doanh nghiệp của tỷ phú Xuân Trường cũng đề xuất đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo đó, dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, quy mô dự án khoảng 1.000 ha.

Tự Lập - ông trùm BĐS Phú Thọ

Những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ - Ảnh 2.

Khu nhà liền kề tại dự án Khu đô thị và thương mại Việt Trì. (Ảnh: Tự Lập).

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (Tự Lập) gây chú ý khi liên tiếp góp mặt trong danh sách nhà đầu tư trúng thầu loạt dự án lớn tại Phú Thọ.

Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2001, có địa chỉ tại thị Trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 1/2021, quy mô vốn điều lệ của Tự Lập là 2.000 tỷ đồng, gấp 200 lần so với thời điểm thành lập. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Thỏa.

Tại Phú Thọ, doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư Khu đô thị và thương mại Việt Trì quy mô hơn 5 ha.

Mới đây, Tự Lập góp mặt trong danh sách các nhà đầu tư trúng thầu liên tiếp 4 dự án lớn tại địa phương này. Trong đó, dự án lớn nhất là Khu đô thị mới Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) với quy mô hơn 92 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ do Tự Lập và TCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô triển khai.

Tự Lập sau đó một mình trúng thầu dự án Khu dân cư nông thôn mới xã Hoàng Xá quy mô gần 20 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng và Khu đô thị mới Phú Lợi tại phường Hùng Vương và phường Phong Châu (thị xã Phú Thọ) quy mô hơn 19 ha, tổng vốn đầu tư hơn 742 tỷ đồng.

Ngoài ra, liên danh Tự Lập - CTCP Xây dựng Việt Hùng cũng được phê duyệt là chủ đầu tư Khu dân cư mới phía Tây Nam thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng) quy mô hơn 27 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.375 tỷ đồng.

Tự Lập và Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô là hai nhà đầu đáp ứng yêu cầu năng lực tại Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, phường Tiên Cát (quy mô hơn 14 ha, tổng mức đầu tư 3.750 tỷ đồng).

Trước đó, hồi tháng 8/2020, doanh nghiệp này trúng thầu Khu nhà ở đô thị Minh Tân tại phường Minh Nông, TP Việt Trì quy mô hơn 1,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tự Lập cũng là nhà thầu xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng giao thông tại Phú Thọ như: Thi công xây dựng tuyến kênh tiêu số 2 vùng Đông Nam Việt Trì; đường cầu qua sông Bần xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn); cải tạo, gia cố và nâng cấp tuyến đê tả sông Thao; cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 317C; Đường Vũ Thê Lang và hạ tầng kỹ thuật hai bên đường (đoạn E4-E7) TP Việt Trì; dự án đường sơ tán dân thuộc các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn,...

Lạc Hồng với loạt dự án ở Tam Đảo

Những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ - Ảnh 3.

Khách sạn Lâu đài được Lạc Hồng xây dựng ở đồi toàn quyền, trên nền cũ của Dinh Toàn quyền Pháp tại Tam Đảo. (Ảnh: Lạc Hồng).

CTCP Đầu tư Lạc Hồng (có địa chỉ tại Hà Nội) của ông Lê Xuân vốn được mệnh danh là "ôm trùm" bất động sản Tam Đảo với quỹ đất lớn.

Đáng chú ý nhất phải kể đến dự án Khu du lịch Tam Đảo tọa lạc tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 tiểu dự án là Khách sạn Lâu đài, Khách sạn Venus, Khu ẩm thực và Khu nhà dịch vụ.

Trong đó, công trình khách sạn Lâu đài Tam Đảo có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, Khách sạn Venus có tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Dự án tiếp theo là Khu nghỉ dưỡng sinh thái Belvedere Resort tọa lạc tại khu 2, thị trấn Tam Đảo. Dự án có tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trên lô đất 3ha với mức đầu tư 70 tỷ đồng, giai đoạn 2 trên lô đất 25 ha với mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Tam Đảo, Lạc Hồng còn là chủ đầu tư Dự án cáp treo Tây Thiên. Dự án có tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng, khởi công vào tháng 12/2009 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2/2012. Hay dự án Khu đô thị Chùa Hà Tiên có quy mô gần 60 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân gôn Lanh Thanh - Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án này do CTCP Nam Tảm Đảo (doanh nghiệp do ông Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật) làm chủ đầu tư với quy mô hơn 73 ha, tổng vốn đầu tư hơn 655 tỷ đồng.

Xây dựng Miền Trung ở thủ phủ Thanh Hóa

Những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ - Ảnh 4.

Một góc Khu đô thị Đông hải tại TP Thanh Hóa. (Ảnh: Tập đoàn Xây dựng Miền Trung).

CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung tiền thân là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa (công ty TNHH) được thành lập năm 1994, có địa chỉ tại đường Võ Nguyên Giáp, phường Quảng Thành, TP Thanh Hoá.

Tập đoàn này được sở hữu và chi phối bởi gia đình ông Mai Xuân Thực. Tại thời điểm tháng 1/2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.089 tỷ đồng. Trong đó, ông Thực góp 47,66%, bà Lê Thanh Hoa góp 44,56%. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Mai Xuân Thông (con trai ông Thực). Vị trí này hiện do ông Lê Thanh Hải đảm nhiệm.

Tập đoàn Xây dựng Miền Trung được biết đến là doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp này hoặc độc lập, hoặc liên danh với đối tác đã trúng thầu và được lựa chọn làm chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn, nhỏ tại địa phương này.

Đơn cử như Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa có quy mô khoảng 48 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, tại TP Thanh Hóa (30 ha, gần 900 tỷ đồng); Khu dân cư phía Tây Nam đường CSEDP thuộc Khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (gần 20 ha, hơn 400 tỷ đồng).

Bên cạnh đó còn có Dự án hạ tầng KCN số 3 - KKT Nghi Sơn (hơn 247 ha, 1.000 tỷ đồng), Dự án đầu tư khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng (121 ha, hơn 3.200 tỷ đồng),...

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia đầu tư nhiều dự án giao thông như: Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT (hơn 4.100 tỷ đồng); đường trong Khu công nghiệp số 3 KKT Nghi Sơn; đường Vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; gói thầu xây lắp 09 thi công nền, mặt dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, đường tránh qua thị trấn Cẩm Thủy,…

Giữa năm 2019, Tập đoàn này gây chú ý khi có văn bản xin lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch, đô thị ven biển thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương. Dự án có quy mô 1.500 ha, dân số quy hoạch là 40.000 người.

Trường Thịnh - đại gia BĐS Quảng Bình

Những ‘ông vua’ địa ốc tỉnh lẻ - Ảnh 5.

Khu du lịch cao cấp Sun Spa Resort của Trường Thịnh. (Ảnh: Báo Quảng Bình).

CTCP Tập đoàn Trường Thịnh (Trường Thịnh) từ lâu vẫn được biết đến với "đế chế" bất động sản nghìn tỷ tại Quảng Bình.

Trong đó phải kể đến Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường nằm trong khu vưc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Đây là một trong những dự án bất động sản đầu tay của Tập đoàn này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sở hữu Khu du lịch Mỹ Cảnh (Sun Spa Resort) tại bán đảo Bảo Ninh, Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (hơn 500 tỷ đồng), Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (quy mô gần 50 ha, vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng), Khu đô thị mới Bảo Ninh (hơn 650 tỷ đồng);…

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới. Theo đó, dự án có quy mô hơn 165 ha với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, do Trường Thịnh làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2019, Trường Thịnh đã ký kết hợp tác đầu tư cùng Onsen Fuji để phát triển dự án khách sạn nghỉ dưỡng 6 sao Dolce Lynn Times Quảng Bình. Dự án có quy mô 29 ha, được xây dựng ngay sát biển, thuộc khu du lịch dịch vụ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là nhà thầu thi công loạt dự án giao thông tại Quảng Bình và Quảng Trị. Đơn cử như: Đoạn Nam cầu Xuân Sơn - Bắc cầu Đá Mài thuộc dự án đường Hồ Chí Minh; gói thầu số R1-NH9 (một trong những gói thầu lớn của dự án phát triển Hành lang giao thông Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị); dự án xây dựng mới 10 km đường QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La; dự án QL12C nối cảng Vũng Áng với biên giới Việt - Lào, dự án nâng cấp QL12A; Dự án XD QL4G - Sơn La; các gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL279 - Lạng Sơn,...

Trường Thịnh tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập năm 1994. Doanh nghiệp có trụ sở tại số 50, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Võ Minh Hoài (sinh năm 1958).

Tại thời điểm cuối năm 2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.109 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoài sở hữu 89,22%.

Hà Lê