|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cò vẽ sóng sốt đất Đà Nẵng đầu năm

13:02 | 28/02/2021
Chia sẻ
Sau Tết Nguyên đán, cò đất đăng tải nhiều thông tin nhằm tăng sốt Đà Nẵng trở lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư, môi giới và chính quyền địa phương cảnh báo thông tin Đà Nẵng rập rình tăng giá đất không có cơ sở.

Đất Đà Nẵng sốt giá qua miệng cò

Theo khảo sát của người viết, từ ngày 20/2 đến nay, trên các trang bất động sản như Batdongsan.com.vn, Alonhadat.com.vn, hội nhóm nhà đất Đà Nẵng, nhiều cò đất liên tục đăng tải thông tin bán đất với giá cao so với mặt bằng trước Tết. 

Nhiều cò đất còn phao tin "có đại gia từ Hà Nội, TP HCM đang tìm mua, gom đất Đà Nẵng, hay đất Đà Nẵng và Quảng Nam đang ấm trở lại từ sau Tết, đến tháng 6 là tăng cao,…". Các lô đất được cò rao bán chủ yếu ở khu vực phía Nam Đà Nẵng.

Đơn cử như các lô đất ở khu vực Hòa Xuân, FPT City đang được rao bán cao hơn so với giá năm 2020 khoảng 100 - 200 triệu đồng, tùy theo diện tích và vị trí.

Nhiều người lên tiếng cảnh báo sau nhiều thông tin tạo sốt đất đầu năm. (Ảnh chụp màn hình).

Theo nhân viên Phòng kinh doanh của một công ty BĐS ở Đà Nẵng: "Cứ sau Tết, nhiều cò đất lại giở chiêu đồn thổi hòng thổi giá đất ấm, sốt trở lại. Tuy nhiên, tình hình BĐS Đà Nẵng đang rất ảm đạm từ đầu năm 2020 đến nay. Các khu đất Nam Đà Nẵng không có người xem".

Cũng theo nhân viên này, các lô đất rao bán không có thật vì không có chủ muốn bán hoặc có thể có nhưng chỉ một vài lô và nhiều cò cùng rao.

Cò lại tạo sóng hòng tăng sốt đất Đà Nẵng đầu năm - Ảnh 2.

Thông tin Đà Nẵng sốt đất, rập rình tăng giá đất được nhiều môi giới, nhà đầu tư địa phương đánh giá chưa chính xác, không có cở sở. (Ảnh: Chu Lai)

Một người có thâm niên trong nghề môi giới nhà đất Đà Nẵng, chia sẻ giá đất nền Đà Nẵng đang đứng và có thể giảm chứ không thể nào sốt trở lại ngay trong năm 2021 hoặc 2022.

"Kinh tế Đà Nẵng năm 2020 tăng trưởng âm, du lịch ảm đạm, khách sạn, nhà hàng rao bán nhiều, gần trăm nghìn người bị ảnh hưởng việc làm, thất nghiệp.

Sau giai đoạn sốt hơn 3 - 4 năm trước, mặt bằng giá đất đã bị đẩy quá cao. Người có nhu cầu mua ở thật cũng lắc đầu vì giá chót vót. Thành phố cũng không có dự án đất nền mới, chỉ có dự án cũ, mua đi bán lại. Đất Đà Nẵng tiếp tục đứng hoặc giảm nhẹ. Tăng nóng, sốt là khó xảy ra”, môi giới này nhận định.

Năm 2020 vừa qua, tại TP Đà Nẵng có một dự án đất nền, cung ứng ra thị trường hơn 50 lô, giá từ 3,7 tỷ đồng/lô. Tuy nhiên, hiện nay hàng chục lô đất tại dự án vẫn đang tiếp tục rao bán, người quan tâm rất ít.

Đà Nẵng bác bỏ thông tin tăng giá đất

Trong tuần qua, nhiều thông tin trên mạng đăng tải việc Đà Nẵng rập rình tăng giá đất. UBND TP Đà Nẵng ngay lập tức phát đi thông cáo báo chí, cảnh báo đó là thông tin chưa chính xác, không có cơ sở. 

Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố đang rà soát và sẽ xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế để phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19.

Trước Tết Nguyên đán, Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng đã đưa ra nhận định, thị trường BĐS Đà Nẵng đang chững lại sau thời gian phát triển nóng.

Cục Thống kê TP Đà Nẵng, cho biết năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, năng suất lao động xã hội của Đà Nẵng đã giảm đáng kể, chỉ đạt 168,9 triệu đồng/lao động, giảm 10,1% so với năm 2019.

Theo kết quả khảo sát gần 50% số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn thành phố, hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19 là hiện tượng cắt giảm lao động trên diện rộng. Tình hình lao động buộc phải nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc diễn ra khá gay gắt, đối với khu vực kinh tế phi chính thức, lao động thất nghiệp cũng ở mức trầm trọng không kém so với khối doanh nghiệp.

Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố năm 2020 ước tính 8,78%; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 9,15% (năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 3,55%).

Ngoài ra, do người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng hoạt động đã làm cho hơn 40,3 nghìn lao động tự do không có việc làm, số người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng. 

Hiện nay, có hơn 24,3 nghìn người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thành phố đã ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 21,7 nghìn người với số tiền hơn 356 tỷ đồng.

Chu Lai

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.