|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cẩn trọng với 'sốt đất'

16:07 | 06/03/2019
Chia sẻ
Giá đất trên địa bàn thành phố từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay tăng vọt đối với đất nền dự án lẫn đất và nhà ở trong các kiệt, hẻm và vùng thôn quê.

Giá đất trên địa bàn thành phố từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay tăng vọt đối với đất nền dự án lẫn đất và nhà ở trong các kiệt, hẻm và vùng thôn quê. Nhiều lô đất tăng giá chóng mặt theo từng ngày. Làn sóng mua đất để đón đầu các dự án đầu tư đang tạo ra “cơn sốt” khiến những người đang tìm mua nhà ở hoặc đất để xây dựng nhà ở phải chới với, lo lắng vì giá đất trở nên “nóng bỏng”.

Cẩn trọng với sốt đất - Ảnh 1.

Người dân cần thận trọng khi đầu tư vào bất động sản. TRONG ẢNH: Các dự án đất nền ở khu vực tây bắc thành phố được nhiều người tìm mua. Ảnh: Hoàng Hiệp

“Cơn sốt” đất tại các khu tái định cư (TĐC) của xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bùng phát lại từ đầu tháng 1-2019 khi có thông tin Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Điển hình, tại khu TĐC Hòa Liên 3, giá mỗi lô đất đường 5,5m được đẩy lên tăng vọt từng ngày (từ khởi điểm 800 triệu đồng/lô lên 1,3 tỷ đồng/lô vào cuối tháng 1).

“Sốt” từ dự án...

Đến nay, các lô đất nói trên đã tăng đến 1,8 tỷ đồng/lô, riêng các lô đất có hướng nhìn ra kênh thoát lũ Hòa Liên là 2 tỷ đồng/lô. Trong khi đó, đất ở khu TĐC Hòa Liên 4 và Hòa Liên 5 tăng lên khoảng 2,2-2,6 tỷ đồng/lô; các lô đất ở tuyến đường trục chính của khu TĐC Hòa Liên 4 ở mức giá 2,8-2,9 tỷ đồng/lô.

“Do giá đất ở khu đô thị Golden Hills tăng cao nên nhiều nhà đầu tư tìm mua đất ở các khu TĐC thuộc xã Hòa Liên để bán kiếm lời, đón đầu đô thị cảng Liên Chiểu hình thành trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư còn đến ngồi chờ sẵn ở các văn phòng công chứng và hỏi mua lại đất của các nhà đầu tư và môi giới. Khi có một lô đất được bán, nhiều khi công chứng viên phải sửa đổi tên người nhận chuyển nhượng vì liên tục diễn ra việc mua bán kiếm lời”, bà Nguyễn Thị Hiếu (trú đường ĐT.602, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cho hay.

Do liên tục có các thông tin mang tính kích thích thị trường như: có chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, tăng tổng vốn đầu tư từ 458 tỷ đồng lên 1.823 tỷ đồng (tăng 400%) vào dự án Khu đô thị Thủy Tú… khiến cho giá đất của các khu đô thị Golden Hills, Dragon Smart, Lakeside Palace, Eco Charm… tăng nóng. Hiện, giá đất mặt tiền đường 7,5m của khu đô thị Golden Hills đã tăng lên 26-30 triệu đồng/m2, đất đường 5,5m tăng từ 20-23 triệu đồng/m2, đất đường 33m là 37-40 triệu đồng/m2… Mới đây, dự án khu C và khu E của khu đô thị Golden Hills mở bán với giá đất 18-20 triệu đồng/m2 đã thu hút nhiều nhà đầu tư đặt chỗ vì tin rằng giá trị đất sẽ tăng gấp 2-3 lần trong vài năm tới.

Việc tăng nóng giá đất nền ở khu vực tây bắc thành phố kéo theo giá đất tại các khu TĐC, khu dân cư ở các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (quận Liên Chiểu) tăng lên đáng kể. “Chắc chắn sẽ không có chuyện tụt giá đất ở khu vực tây bắc thành phố mà còn tăng thêm, thậm chí sẽ tăng nóng nếu “nổ” ra các sự kiện đầu tư lớn. Gần đây, hàng loạt dự án mới được xúc tiến hoặc trao giấy chứng nhận đầu tư tiếp tục kích thích giá đất nhờ môi trường đầu tư và kinh tế - xã hội phát triển khởi sắc hơn”, ông Trần Duy Anh, một nhà đầu tư bất động sản (trú đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nói.

... đến làng quê

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các khu vực khác của thành phố như phường Hòa Xuân, nam Hòa Xuân, nam Đà Nẵng… đã lên “cơn sốt” đất nền, đi kèm đó giá đất của các khu vực như phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An (quận Cẩm Lệ), xã Hòa Châu, Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cũng tăng nóng. Đặc biệt, từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, các làng quê của xã Hòa Tiến bỗng “náo loạn” vì giá đất bất thường, nhất là ở thôn La Bông, Nam Sơn…

Bà Đỗ Thị Thủy, một người dân ở thôn La Bông cho hay: “Trước đây, những khu đất vườn ở đây được tách ra với diện tích khoảng 100-150m2 rồi bán 100-200 triệu đồng, nhưng nay được bán với giá từ 1,1-1,7 tỷ đồng. Người dân ở đây không biết có dự án gì mà người tứ xứ đổ về mua đất. Mấy “cò” đất cũng chỉ nói đại khái là có dự án lớn ở xã. Người dân cũng bất an vì đang sống yên bình, ổn định thì nay bỗng lo bị giải tỏa, di dời”.

Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: “Trước tình hình giá đất bị “thổi” trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã thông báo, thông tin đến người dân là không có dự án nào triển khai. Bên cạnh đó, xã tuyên truyền đến người dân cảnh giác trước những thông tin đồn thổi của những người môi giới bất động sản để tránh rơi vào bẫy. Cấp ủy, Mặt trận các thôn để ý những người lạ đến địa bàn mà không có lý do rõ ràng và thông báo lên xã biết để có hướng theo dõi, xử lý. Đài truyền thanh xã cũng thông tin đến bà con cảnh giác, biết về diễn biến thị trường đất đai và khi nào có triển khai dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ thông tin công khai, công bố quy hoạch để người dân yên tâm”.

Cơn sốt đất nền và làn sóng đầu tư đón đầu các dự án cũng đang khiến các thửa đất ở trong các kiệt, hẻm ở khu vực trung tâm thành phố tăng nóng. Đặc biệt, tại quận Sơn Trà, giá đất ở trong các kiệt, hẻm nhỏ ở phường An Hải Bắc, Mân Thái và Thọ Quang có thời điểm tăng 100 triệu đồng/ngày/lô. Nhiều người đi tìm mua nhà để ở hoặc đất để xây dựng nhà trong các kiệt, hẻm chỉ rộng 1-1,5m cũng chới với trước tốc độ tăng giá đất.

Bà Phạm Thị Ánh Hiền (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bày tỏ: “Thấy giá đất tăng cao quá và nghe mọi người nói còn tăng cao nữa nên gia đình tôi vội đi tìm mua nhà hoặc đất để xây nhà ở. Cứ ngỡ có 1,5 tỷ đồng trong tay là có thể mua được một căn nhà cấp bốn hoặc một lô đất khoảng 50-70m2 trong các đường kiệt, hẻm nhỏ ở phường Thọ Quang, Mân Thái; nhưng sau 3 tuần đi tìm, xem nhiều lô đất và nhà thì chúng tôi không thể mua nổi vì không đủ tiền. Thậm chí, có lô đất tăng từ 1,7 tỷ đồng lên 2,2 tỷ đồng sau 4 ngày; có căn nhà cấp bốn tăng từ 2,05 tỷ đồng lên 2,35 tỷ đồng sau 2 ngày… Đất tăng quá cao khiến gia đình tôi rất lo lắng về chỗ ở sau này”.

Thận trọng trong đầu tư

Nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản nhận định, sắp đến, giá đất trên địa bàn thành phố còn tiếp tục tăng, thậm chí tăng nóng do những thông tin khả quan về việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án về cơ sở hạ tầng, bất động sản… Việc thành phố giao cho nhà tư vấn Singapore tiến hành lập quy hoạch cũng như nhiều nhà đầu tư Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào đầu tư tại Đà Nẵng cũng có tác động kích thích giá đất.

Ông Phan Tiến Quốc (chủ một sàn giao dịch bất động sản ở quận Ngũ Hành Sơn) phân tích: “Trong năm nay sẽ không có chuyện giá đất giảm vì đến thời điểm này, giá đất ở Đà Nẵng vẫn đang lên. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW đã tạo sự khích lệ, khởi sắc lớn cho môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng được quy hoạch tăng dân số, nhưng hiện tại thành phố mới có hơn 1 triệu dân mà quỹ đất vẫn giữ nguyên, rõ ràng nhu cầu về đất ở đô thị sắp tới tăng làm giá đất tiếp tục tăng. Đất thì có hạn mà người tăng gấp đôi, vì thế, người dân thành phố cần cẩn trọng và suy nghĩ hướng đầu tư bền vững, lâu dài về đất đai, thay vì lao theo cơn sốt đất có phần ảo rồi “lướt sóng” kiếm lời”.

Cẩn trọng với sốt đất - Ảnh 2.

Các quầy giao dịch bất động sản ở khu vực nam Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hoạt động nhộn nhịp trở lại từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản cũng nhận định, giá đất tăng nóng như hiện nay gây chênh lệch quá lớn giữa giá thị trường với giá trị thực của bất động sản địa phương. Có những khu vực, nhiều người môi giới không những “thổi” giá mà còn tạo giao dịch ảo và cò mồi để hút nhà đầu tư, góp phần tạo ra diễn biến giá quá nhanh của thị trường, càng làm cho giá đất càng ngày vượt xa giá trị thực.


Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng cho rằng: “Giá bất động sản Đà Nẵng vẫn chưa đến đỉnh điểm khai thác và sẽ vẫn tăng trong tương lai. Hiện nay, chênh lệch giá thị trường và các điều kiện hạ tầng, dân sinh đi cùng còn quá lớn. Hơn nữa, tâm lý “lướt sóng” thị trường của nhà đầu tư, tình trạng cò mồi thổi giá và tạo giao dịch ảo của nhà môi giới bất động sản vẫn đang diễn ra phổ biến. Vì thế, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước việc sốt đất này”.

Huyện Hòa Vang chấn chỉnh tình trạng mua bán đất

Chiều 5-3, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện vừa gửi công văn khẩn đến UBND 11 xã và Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện yêu cầu tuyên truyền và chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn đang diễn ra sôi động; trong đó cảnh giác việc giới "cò" đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá lên cao bất thường nhằm trục lợi.

UBND huyện Hòa Vang giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân thận trọng trong việc mua bán đất; không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở, như vậy sau này sẽ không có đất sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài; đồng thời tránh tình trạng bị "sập bẫy" các nhóm "cò" đất.

Hoàng Hiệp