|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thủy sản vào Nhật Bản: Quy định về ghi nhãn bệnh dị ứng, khối lượng, hạn sử dụng, phương thức bảo quản

20:19 | 07/03/2021
Chia sẻ
Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản bắt buộc/ khuyến khích ghi nhãn về nguy cơ gây dị ứng nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tiêu dùng dễ bị dị ứng, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.
Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Bệnh dị ứng

Khi sản phẩm chứa các thành phần đặc biệt sau đây, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản bắt buộc/ khuyến khích ghi nhãn về nguy cơ gây dị ứng nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tiêu dùng dễ bị dị ứng.

Tuy nhiên, không cần ghi nhãn nếu các thành phần đó có thể dễ dàng được xác định trong các sản phẩm.

- Những nguyên liệu đặc biệt bắt buộc ghi nhãn bệnh dị ứng: trứng, sữa, bột mì, tôm, cua, mì lúa mạch, lạc.

- Những nguyên liệu đặc biệt được khuyến khích ghi nhãn bệnh dị ứng: mực, trứng cá hồi, cá hồi, cá thu, thịt bò, thịt gà, thịt lợn, nấm, quả óc chó, chuối, đậu nành, cam, kiwi, đào, khoai, táo, gelatin.

Khối lượng

Khi nhập khẩu và bán hàng thủy sản tươi sống và chế biến vào Nhật Bản, nhà nhập khẩu phải ghi rõ khối lượng sản phẩm trên nhãn, theo quy định của Luật Đo lường. 

Sản phẩm phải được xác định khối lượng chính xác sao cho khối lượng thực của sản phẩm và con số ghi trên nhãn nằm trong mức dung sai cho phép.

Cá hồi và trứng cá hồi. Nguồn: freepik

Cá hồi và trứng cá hồi. Nguồn: freepik

Hạn sử dụng

Ngày hết hạn sử dụng của sản phẩm ở trạng thái còn đóng kín khi được bảo quản theo phương pháp đã ghi trên nhãn phải tuân theo Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp cho nông lâm sản, cũng như Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hạn sử dụng được ghi theo hình thức ngày hết hạn hoặc là ngày mà việc sử dụng sản phẩm trước ngày đó là tốt nhất. 

Ghi nhãn theo ngày hết hạn được áp dụng cho thực phẩm có chất lượng suy giảm nhanh chóng trong vòng 5 ngày kể từ ngày sản xuất, trong khi đó ghi nhãn "sử dụng tốt nhất trước ngày..." được áp dụng cho thực phẩm có chất lượng không bị suy giảm nhanh chóng.

Phương thức bảo quản

Phương thức bảo quản nhằm duy trì hương vị của sản phẩm ở trạng thái còn đóng gói kín cho đến hạn "sử dụng tốt nhất trước ngày..." phải được ghi trên nhãn theo quy định của luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp cho nông lâm sản, và Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Các thực phẩm mà ghi hạn sử dụng dưới hình thức ngày hết hạn phải được đánh dấu "bảo quản dưới 10 độ C" trong khi các thực phẩm "sử dụng tốt nhất trước ngày..." cần phải được đánh dấu "tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp ở nhiệt độ phòng"... 

Tuy nhiên, phương thức bảo quản có thể không cần ghi trên nhãn đối với những thực phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.


Ánh Dương