Luật và quy định về bán hàng thủy sản tại Nhật Bản
Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cấm việc bán các sản phẩm thủy sản kém vệ sinh hoặc có chứa các chất độc hại.
Trên bao bì chứa thủy sản tươi sống và chế biến phải ghi nhãn bắt buộc theo quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến ghi nhãn an toàn như chỉ dẫn phụ gia thực phẩm, thông tin về nguy cơ gây dị ứng, tên thành phần nguyên liệu thô và nguồn gốc, sản phẩm biến đổi gen...
Việc bán các sản phẩm thủy sản (trừ sản phẩm chưa qua chế biến) phải tuân thủ quy định của Luật Trách nhiệm sản phẩm và cần chú ý đến việc quản lý an toàn chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì để tránh các rủi ro về bùng phát ngộ độc thực phẩm.
Luật Trách nhiệm sản phẩm
Luật Trách nhiệm sản phẩm quy định trách nhiệm pháp lý của các nhà sản xuất đối với thiệt hại cho người tiêu dùng liên quan đến lỗi của sản phẩm, và nhà nhập khẩu được đối xử như các nhà sản xuất nội địa.
Đây là quy định cơ bản yêu cầu nhà nhập khẩu cũng phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng bởi người tiêu dùng rất khó có thể tìm và yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra.
Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại từ phía các nhà sản xuất ở nước ngoài là được coi là vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà nhập khẩu, mang tính độc lập với Luật Trách nhiệm sản phẩm.
Luật Giao dịch thương mại chỉ định
Luật Giao dịch thương mại chỉ định quy định việc bảo vệ quyền lợi của người mua hàng trong các giao dịch thương mại trực tiếp.
Việc bán thủy sản tươi sống và chế biến thông qua các hình thức như đặt hàng qua thư điện tử, tiếp thị qua điện thoại, tiếp thị trực tiếp... phải tuân theo các quy định của Luật Giao dịch thương mại chỉ định.
Luật Khuyến khích thu gom rác đã phân loại và tái chế bao bì
Theo Luật Khuyến khích thu gom rác đã phân loại và tái chế bao bì, các nhà nhập khẩu bán các sản phẩm sử dụng các đồ đựng và bao bì là đối tượng kiểm soát của Luật này (đồ đựng và bao bì bằng giấy hay nhựa...) phải chịu trách nhiệm việc tái chế đồ đựng và bao bì đó.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ dưới một quy mô nhất định được loại trừ ra khỏi đối tượng phải tuân theo quy định của Luật này.