|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhân dân tệ khó đe dọa đế chế petrodollar của Mỹ

21:25 | 27/02/2023
Chia sẻ
Bloomberg nhận định rằng nhân dân tệ sẽ khó có thể thay thế USD trong việc định giá dầu mỏ, do thiếu khả năng chuyển đổi tự do, thiếu thanh khoản, nguy cơ bị Trung Quốc thao túng giá cả cũng như việc đồng tiền Trung Đông đang được neo giá với USD.

Theo Bloomberg, sau cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Đức vua Salman bin Abdulaziz Al Saud, hai nước đã công bố một thông cáo chung, ca ngợi muối quan hệ Arab Saudi-Trung Quốc phát triển trong “tất cả lĩnh vực”.

Tuy nhiên, tuyên bố dài hơn 5.000 từ này không hề một lần nhắc đến khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ để định giá dầu mỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman vào tháng 12/2022. (Ảnh: Anadolu Agency).

Việc sử dụng nhân dân tệ để định giá dầu (petroyuan) thường được nhắc đến như một kết quả không thể tránh khỏi khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh, thay thế việc định giá dầu theo USD (petrodollar) trong suốt 50 năm qua. Theo nhiều thuyết âm mưu, sự xuất hiện của hệ thống petroyuan, và sự sụp đổ của petrodollar, sẽ là quân domino đầu tiên dẫn đến sự suy yếu của toàn hệ thống tài chính Mỹ. 

Tuy nhiên, tương lai này dường như chỉ là một ảo mộng. Nếu hỏi giới quan chức tại thành phố Riyadh, Abu Dhabi, Kuwait hay Doha về petroyuan, ngay cả chỉ vài tuần sau chuyến thăm của ông Tập tới thăm Arab Saudi, câu trả lời sẽ đều như nhau: hệ thống petrodollar sẽ tiếp tục được duy trì.

Không có lợi ích từ petroyuan

Trong chuyến đi gần đây tới Vùng Vịnh, ông Javier Blas, phóng viên của Bloomberg cho biết không có bất cứ quan chức nào nghiêm túc về việc chuẩn bị đưa nhân dân tệ thay thế cho USD. Câu trả mà ông Blas thường nhận được là: Chúng tôi có lợi ích gì?

Những câu trả lời lịch sự thường nhắc đến việc đồng bạc xanh có khả năng chuyển đổi tự do, nhân dân tệ thì không, hay đồng USD có thanh khoản, nhân dân tệ thì không. Những câu trả lời thẳng thắn hơn nhấn mạnh vào sự phi lý trong việc chuyển sang sử dụng một đồng tiền bị kiểm soát, tạo ra bởi một hệ thống tài chính mập mờ, khó dự đoán như Trung Quốc.

Tương tự như mọi thuyết âm mưu, có một số sự thật đằng sau câu chuyện petroyuan. Trong chuyến thăm, ông Tập đã khuyến khích khu vực Trung Đông sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch dầu.

Nhưng thay vì định giá dầu bằng nhân dân tệ như nhiều người kỳ vọng, ông Tập chỉ yêu cầu các nhà sản xuất dầu tại Trung Đông chấp nhận thanh toán bằng nhân dân tệ.

Các quan chức Trung Đông đã tỏ ra lãnh đạm với đề xuất này. Trước công chúng, họ sẵn sàng thảo luận về sáng kiến trên. “Không có vấn đề gì trong việc thảo luận việc thanh toán hợp đồng, bằng USD, EUR hay cả riyal”, Bộ trưởng Tài chính Arab Saudi Mohammed Al-Jadaan tuyên bố vào tháng trước.

Tuy nhiên, ông Thani Al Zeyoudi, Bộ trưởng Thương mại UAE, cho biết nước này đã chuẩn bị thảo luận việc thanh toán bằng những đồng tiền khác, nhưng chỉ với các hợp đồng “ngoài dầu mỏ”.

Petroyuan được xem như một sáng kiến có thể khiến các quốc gia khác học theo. Ấn Độ có thể muốn petrorupee (định giá dầu bằng đồng rupee Ấn Độ), Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đảo Đài Loan có thể tìm kiếm những thỏa thuận tương tự.

Mặc dù Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Arab Saudi, chiến 26% tổng xuất khẩu, nhu cầu của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ vượt qua con số này, đạt 29% vào năm 2020, theo số liệu của The Observatory of Economic Complexity (OEC).

Khi tính đến Đảo Đài Loan, bộ ba này sẽ chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu dầu khí của Arab Saudi. Nếu Riyadh “đồng ý” với petroyuan, làm sao nước này có thể từ chối petroyen (định giá dầu bằng đồng yen Nhật Bản) hay petrowon (định giá dầu bằng đồng won Hàn Quốc)? 

Trung Quốc chiếm 26% tổng xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi, nhưng 5 quốc gia tiếp theo chiếm hơn một nửa.

Việc sử dụng nhân dân tệ cho những mục đích khác, ngoài thanh toán hóa đơn dầu mỏ, thậm chí còn khó khăn hơn. Nhu cầu của các nhà sản xuất OPEC trong việc định giá dầu bằng đồng nhân dân tệ thông qua một sàn giao dịch của Trung Quốc gần như bằng không.

Các công ty dầu mỏ quốc doanh của Trung Đông đã để ý cách Bắc Kinh thao túng giá hàng hóa như quặng sắt, bông, than hoặc ngũ cốc mỗi khi giá lên cao quá mức. Sau khi giành 60 năm để xây dựng một liên minh đầy quyền lực, chẳng có lý do gì để các quốc gia Trung Đông nhường quyền định giá cho Trung Quốc.

Neo giá bằng USD

Ngoài hoạt động kiểm soát vốn của Trung Quốc, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông cũng có những lý do khác để tiếp tục gắn bó với USD. Một trong những lý do là hầu hết các đồng tiền của Trung Đông đều được neo giá với đồng bạc xanh. Bởi vậy, các nước Trung Đông có lợi ích trong việc giữ trong USD mạnh.

Phe ủng hộ petroyuan coi thường tầm quan trọng của việc neo giá tiền tệ, và cho rằng những cấu trúc tài chính này có thể bị loại bỏ, hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước Trung Đông đang từ bỏ việc neo giá bằng USD.

Lập luận khác thường được sử dụng để ủng hộ petroyuan là việc Mỹ đã vũ khí hóa USD thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Venezuela, Nga và Iran. Các biện pháp trừng phạt đã khiến một đồng tiền thanh toán thay thế trở nên cần thiết. 

Tuy nhiên, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt từ lâu, và đồng USD vẫn không bị ảnh hưởng. Libya, Iraq từng yêu cầu thanh toán bằng đồng EUR, thế nhưng, đồng tiền duy nhất được dùng để định giá dầu gần đây lại là dirham của UAE. 

Ấn Độ đang dùng dirham để thanh toán một số hợp đồng dầu mỏ với Nga nhằm vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng điều trớ trêu là, trong suốt 25 năm qua, dirham vẫn được neo với USD.

Minh Quang