|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà hàng ngừng bán nhưng vẫn 'sáng đèn' trên ứng dụng, đẩy tài xế giao đồ ăn vào thế khó

09:03 | 31/03/2020
Chia sẻ
Nhiều người nghĩ việc chính phủ kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà sẽ là cơ hội để các tài xế công nghệ kiếm thêm thu nhập nhưng các "shipper" lại đang phải đối mặt với thêm một khó khăn mới.

Với lời kêu gọi hạn chế ra khỏi nhà của Chính phủ, nhiều công ty gọi xe công nghệ đã triển khai những chính sách mới để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho khách hàng và tài xế, vừa khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ mà không cần ra khỏi nhà.

Cả GrabMart và Be đi chợ đều là những dịch vụ "đi chợ hộ" của các công ty gọi xe gọi xe công nghệ. Về bản chất, dịch vụ này tương đối giống với NowFresh, một mảng kinh doanh mà ứng dụng gọi món Now đã triển khai trước đó.

Thậm chí mới đây, dựa trên công nghệ định vị của ứng dụng, Now còn cảnh báo các tài xế tụ tập quá gần nhau. Theo lời cảnh báo, nếu tài xế tiếp tục tập trung quá gần tại một khu vực, công ty sẽ có biện pháp chế tài như khóa tài khoản tạm thời.

Nhiều nhà hàng ngừng bán nhưng vẫn 'sáng đèn' trên ứng dụng, tài xế giao đồ ăn gặp khó - Ảnh 1.

Một số nhà hàng lựa chọn việc bán hàng qua ứng dụng. Thậm chí việc giao hàng cũng được sử dụng theo hình thức đặc biệt để hạn chế tiếp xúc. Ảnh: Cộng đồng đối tác Go-Viet.

Với việc người dân hạn chế ra khỏi nhà, nhiều hàng quán cũng phải chuyển dịch sang hình thức bán hàng qua ứng dụng. Tuy nhiên theo phản ánh của cả tài xế công nghệ và khách hàng, nhiều hàng quán ngừng bán hàng nhưng vẫn bật chế độ kết nối với ứng dụng, đặc biệt với các ứng dụng mạnh về mảng giao nhận đồ ăn.

Thực tế ấy gây khó khăn cho cả 3 bên, công ty, tài xế và khách hàng. Từ trước tới nay, việc quản lí các đơn hàng ảo là một trong những vấn đề nan giải của các hãng gọi xe công nghệ, đặc biệt với các công ty cung cấp nhiều mã khuyến mại. Việc nhà hàng ngừng hoạt động không báo với công ty càng khiến việc quản lí thêm phần khó khăn.

Thậm chí một ứng dụng đã yêu cầu tài xế hỗ trợ trong việc cập nhật thông tin quán chuyển sang hình thức bán hàng online/đóng cửa.

Theo chia sẻ của bác Lực, một tài xế công nghệ, quá nửa số đơn hàng gọi món bác nhận đều không thể hoàn thành do quán ngừng hoạt động.

Nhiều nhà hàng ngừng bán nhưng vẫn 'sáng đèn' trên ứng dụng, tài xế giao đồ ăn gặp khó - Ảnh 2.

Tài xế Now đứng chờ món vẫn giữ khoảng cách nhất định. Ảnh: Anh em shipper Now.

"Tôi hay chạy xe ở mấy quán gần khu vực Đê La Thành, nhưng từ sáng tới giờ nhiều quán đóng cửa quá, mà lại không báo lên công ty nên tôi đành phải báo khách hủy, vừa tốn công, mà khách lại phải đợi lâu", bác Lực tâm sự.

Ban đầu, khi Chính phủ kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà và nhiều tài xế quyết định tạm nghỉ mùa dịch, bác Lực cũng từng nghĩ rằng đây là cơ hội cho những đối tác nào sẵn sàng chạy xe mùa dịch. Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Nhiều nhà hàng ngừng bán nhưng vẫn 'sáng đèn' trên ứng dụng, tài xế giao đồ ăn gặp khó - Ảnh 3.

Ứng dụng gọi xe kêu gọi tài xế báo cáo về các nhà hàng ngừng hoạt động nhưng vẫn bật ứng dụng. Ảnh: Cộng đồng tài xế công nghệ.

"Sức người có hạn, có chăng dạo này đường vắng vẻ hơn nên đi nhanh hơn một chút mà thôi. Với cả bây giờ thì có nhiều đơn hơn ngày trước, không phải ngồi đợi. Thế nhưng khi gặp nhiều nhà hàng đóng cửa, lại coi như mất công", bác Lực nói.

Không chỉ từ phía tài xế, nhiều khách hàng cũng có trải nghiệm không tốt về việc nhiều hàng quán dù ngừng hoạt động nhưng vẫn "sáng" trên ứng dụng. Thậm chí anh Huy, một khách hàng chuyên gọi món qua ứng dụng đã phải mất tới gần 1 tiếng mới tìm ra một quán còn hoạt động.

"Tôi đặt món tới lần thứ 5 mới tìm được quán còn bán dù đã chuyển nhiều ứng dụng khác nhau từ Go-Viet, Now cho tới Grab. Hi vọng rằng sau khi nhận phản hồi của khách, công ty sẽ xem xét lại và tạm khóa nhà hàng đó cho đến khi họ thật sự mở cửa trở lại", anh Huy chia sẻ.

Tiểu Phượng

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.