|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi

08:09 | 29/03/2020
Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường xe hơi. Gần 3 tháng nay thị trường trầm lắng, người kinh doanh lao đao, người vay mua xe chạy dịch vụ cũng lâm cảnh khổ sở vì nặng lãi.

Kẻ lao đao, người tính bán xe vì Covid-19

Thời điểm phần mềm xe công nghệ Uber, Grab hay một số ứng dụng khác ra đời, rất nhiều người liều đi vay ngân hàng để mua xe, chạy dịch vụ. Với khoản tiền ít ỏi, cộng với gánh nặng vay ngân hàng, nhiều người những tưởng sẽ nhanh xóa hết nợ.

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sau khi Uber rút chân, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi xe thấp hẳn, thậm chí nhiều người không dám đi xe taxi, hoặc đi xe công nghệ. Tình thế này khiến nhiều người lâm cảnh khó khăn, gánh khoản nợ khổng lồ từ ngân hàng.

Anh Nguyễn Đăng Thái - lái xe công nghệ tại Long Biên - mới mua xe từ cuối năm 2019, vay số tiền 900 triệu đồng đầu tư xe 7 chỗ chạy dịch vụ, song hiện tại anh này rất đau xót khi nhìn tài sản đứng yên, trong khi gánh nợ ngày càng lớn dần.

"Giá xe ngày càng xuống, giờ muốn bán cũng rất khó và mất giá. Hợp đồng vay với ngân hàng thế chấp chính chiếc xe nên bán được xe cũng không phải đơn giản. 

Nhiều người khuyên tôi thế chấp căn hộ tập thể của bố mẹ để lại, trả tiền vay mua xe, rồi bán xe. Nếu dịch bệnh kéo dài nữa, mỗi tháng trả ngân hàng trả hơn 12 triệu đồng như này thì gánh nặng quá lớn, thậm chí tan cửa, nát nhà mất" - anh Thái cho biết.

Xe EU, Mỹ, Hàn, Nhật về Việt Nam ít hơn vì Covid-19

Nhiều đối tác xuất ô tô vào Việt Nam suy giảm xe nhập do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp khó nhập nên chủ động giãn, hủy đơn hàng tương lai với đối tác.

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi - Ảnh 2.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí, hầu hết các đầu mối nhập xe từ EU, Nhật, Mỹ đều giảm mạnh lượng nhập, thậm chí có nơi dừng ký hợp đồng cung cấp xe mới trong quý 2/2020 do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đại lý, nhà cung ứng dừng hoạt động.

Đại diện một doanh nghiệp xe hơi nhập phía Bắc cho biết, nhiều mẫu xe sang hiện vẫn nhập về theo đơn hàng từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Tuy nhiên, thời điểm tháng 3, lượng xe nhập đã ít đi do các bên không duy trì được hợp đồng do điều kiện bất khả kháng.

"Dù nguồn cung thiếu, song khách mua xe vẫn còn để bán bởi doanh số các tháng trước kia không cao. Nhiều đại lý có thể còn hàng đến tháng 4 hoặc tháng 6. Hệ thống còn hàng đến tháng 8 hoặc tháng 9 để phục vụ người dân. 

Nếu tổng cầu tiếp tục suy giảm, doanh số âm, chắc chắn các mẫu xe sẽ phải giảm giá để giảm thiệt hại", đại diện doanh nghiệp cung ứng xe của Đức cho hay.

Đề xuất giảm thuế, phí kích cầu thời Covid-19

Thông tin VAMA đề xuất giảm 50% thuế, phí lăn bánh xe hơi nhằm kích cầu thị trường ngay lập tức nhận được hưởng ứng của người tiêu dùng.

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi - Ảnh 3.

Nếu được Chính phủ, Bộ ngành thông qua, người mua xe sẽ hưởng lợi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng khi mua xe hơi. Từ đó sẽ tăng tổng cầu thị trường xe, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp xe hơi vượt qua thời gian khó khăn.

Hiện nay, các mẫu xe ngoài giá vốn của nhà sản xuất, khi đến tay người tiêu dùng sẽ cộng thêm các chi phí như phí trước bạ (10-12%), thuế giá trị gia tăng (10%), chi phí kinh doanh.

Với đề xuất giảm 50% các loại thuế phí VAT, phí trước bạ, chi phí lăn bánh có thể giảm từ 10-11% so với hiện nay. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng sẽ chỉ còn 5% thay vì 10% như hiện nay, phí trước bạ còn 5% (và riêng Hà Nội sẽ còn 6%) thay vì 10-12% hiện nay.

Hàng loạt hãng xe lớn đóng cửa, thị trường xe Việt ra sao?

Nhiều hãng xe lớn trên thế giới phải đóng cửa vì Covid-19, doanh nghiệp xe Việt cũng đối diện nguy cơ thiếu hụt trầm trọng thiết bị, xe mới và có thể "đóng băng" do cầu giảm rất mạnh.

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi - Ảnh 4.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xe hơi phía Nam, dịch Covid-19 hiện tại tác động lớn đến nhu cầu mua xe của người dân do thu nhập giảm, hạn chế đi lại. 

Điều này về lâu dài sẽ khiến các doanh nghiệp giảm sút dây chuyền lắp ráp, không đủ công suất khiến hao mòn lớn máy móc. Nguy cơ dừng sản xuất là rất lớn nếu dịch tiếp tục diễn biến khó lường.

“Tổng cầu thị trường giảm, trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp đẩy mạnh nhập xe tồn kho về nước, các doanh nghiệp thuần túy lắp ráp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Để đảm bảo nguồn cung tốt, đủ dung lượng cho thị trường, Nhà nước cần can thiệp bằng giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu tương lai”, vị đại diện doanh nghiệp ô tô chia sẻ.

Vios và Accent đang đụng nhiều đối thủ xứng tầm

Là hai mẫu có doanh số lớn nhất dòng sedan hiện nay, nhưng Vios và Accent đang đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt ngôi đầu. Nếu các đối thủ có thay đổi, thứ hạng không còn thuộc về Vios và Accent.

COVID-19: Hãng xe xin giảm thuế phí, tài xe công nghệ khổ sở vì nặng lãi - Ảnh 5.

Trong doanh số bán xe được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố năm 2019, có 11 mẫu xe sedan (xe du lịch 5 chỗ) được bán với giá dưới 700 triệu đồng. Nếu tính thêm 2 mẫu của Hyundai Thành Công, tổng cộng có khoảng 13 mẫu xe sedan phổ thông giá dưới 700 triệu đồng.

Mẫu có doanh số cao nhất thuộc về Vios của Toyota với 26.000 chiếc, đứng thứ 2 là Hyundai Accent với 19.700 chiếc, đứng thứ 3 là Mazda 3 với 12.000 chiếc, đứng thứ 4 là Kia Cerato với 11.300 chiếc, đứng thứ 5 là Honda City với 9.700 chiếc, đứng thứ 6 là Hyundai Elantra với 7.300 chiếc…

Theo nhiều chuyên gia về xe hơi, thị trường xe phổ thông thay đổi doanh số rất nhanh không chỉ dựa vào thương hiệu nữa mà quan trọng nhất là giá, thiết kế và tiện ích. 

Trước đây, Hyundai Accent, Kia Cerato hay Mazda 3 không hề được coi là đối thủ cạnh tranh của Vios thì nay, với những thay đổi về thiết kế, giá bán cạnh tranh, các mẫu xe này đã có doanh số rất cao.

An Linh