|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư toàn cầu bước sang tuần mới nhiều sóng gió, chuyên gia khuyến nghị tiếp tục thận trọng

17:23 | 26/09/2022
Chia sẻ
Các thị trường tài chính – chứng khoán trên khắp thế giới vừa trải qua một tuần đầy thăng trầm với quyết định nâng lãi suất của loạt ngân hàng trung ương nhằm chế ngự lạm phát. Trong tuần mới, nhiều dấu hiệu cho thấy biến động vẫn sẽ rất lớn.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite của chứng khoán Mỹ rơi về sát đáy hồi giữa tháng 6 năm nay.

Suy thoái, lãi suất và tỷ giá

Theo Reuters, những dấu hiệu bất thường đang xuất hiện ở khắp nơi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 thông báo nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ 3 liên tiếp để chống lạm phát, đây là động thái mạnh tay nhất của ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ kể từ khi lãi suất quỹ liên đang được dùng làm công cụ chính sách chủ yếu vào năm 1994.

Ngân hàng trung ương của Việt Nam, Anh, Arab Saudi, Indonesia, … cũng nâng lãi suất theo chân Fed.

Trong khi đó, Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 1998 can thiệp nhằm nâng giá cho đồng yen. Đồng bảng Anh tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất 37 năm so với USD sau khi Bộ Tài chính Anh thông báo kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ và tăng mạnh vay nợ để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Mike Kelly, Giám đốc đầu tư đa tài sản tại PineBridge Investments, nhận xét: “Rất khó dự đoán tai họa gì sẽ xảy ra, khi nào, và ở đâu. Trước đây, thị trường nghĩ rằng cuộc suy thoái sẽ ngắn và nông. Giờ đây, suy nghĩ này đã bị vứt bỏ và nhà đầu tư đang lo lắng về những hậu quả khôn lường của chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức”.

Thị trường chứng khoán khắp nơi đều lao dốc. VN-Index mất 2,5% trong tuần trước. Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc 4% và suýt nữa rơi vào thị trường gấu cùng với S&P 500. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt hơn 5% trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lên mức kỷ lục kể từ năm 2007.

Trong phiên đầu tuần 26/9, VN-Index mất gần 29 điểm, tương đương 2,4%.

S&P 500 giảm liên tiếp trong hai tuần giữa tháng 9, mất lần lượt 4,77% và 4,65%.

Nhân tố nổi bật hơn cả là USD khi giá trị đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất 20 năm so với rổ 6 loại tiền tệ lớn. Nhiều nhà đầu tư muốn tránh những biến động điên cuồng của các thị trường tài sản và đã tìm chỗ trú ẩn trong đồng tiền của Mỹ.

Reuters dẫn lời ông David Kotok, Chủ tịch và Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, nhận xét: “Các tỷ giá hối đoái ngoại tệ đang biến động điên cuồng. Khi các chính phủ và ngân hàng trung ương tham gia xác định lãi suất, sự biến động được chuyển sang cho thị trường ngoại tệ”.

“Lạm phát cao và lãi suất tăng không chỉ là vấn đề của nước Mỹ mà còn là thách thức với thị trường toàn cầu”, CNBC dẫn lời ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận xét.

“Rõ ràng là kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng lạm phát vẫn lên cao, thành ra Fed buộc phải hànhd động rốt ráo. Ở châu Âu, ngân hàng trung ương ECB đang nâng lãi suất từ âm lên dương trong lúc lục địa này đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng và chiến tranh ở ngay sân sau”.

(Ảnh: State Street; Đồ họa: Song Ngọc).

Chuyên gia và nhà đầu tư thận trọng

Cho đến nay, đà bán tháo ở các thị trường tài sản vẫn chưa thu hút được nhiều người mua bắt đáy. Đa phần nhà đầu tư cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi khi chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu làm gia tăng nguy cơ suy thoái.

Ông Russ Koesterich, Giám đốc quản lý danh mục của Quỹ phân bổ toàn cầu tại BlackRock – công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho biết tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục của ông “thấp hơn nhiều so với chuẩn” và ông cũng đang thận trọng với thị trường trái phiếu.

Giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều, lợi suất tăng vọt lên đỉnh nhiều năm đồng nghĩa với giá trái phiếu lao dốc.

“Tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều bất trắc về việc lạm phát sẽ giảm nhanh đến đâu cũng như liệu Fed có thực hiện chiến dịch thắt chặt tiền tệ đến cùng như đã ra tín hiệu hay không”.

Ông Kotok cho biết vị thế hiện nay của ông là khá thận trọng với tỷ lệ tiền mặt cao. “Tôi muốn trông thấy một đợt bán tháo đủ mạnh để thị trường cổ phiếu Mỹ có điểm mua vào hấp dẫn”.

Giá cổ phiếu cũng như trái phiếu giảm sâu trong những tháng qua, nhưng triển vọng tăm tối phía trước đồng nghĩa với việc định giá vẫn chưa đủ rẻ cho một số nhà đầu tư.

Ông Jake Jolly, Chiến lược gia đầu tư cao cấp tại BNY Mellon, nói: “Chúng tôi cho rằng thời điểm mua cổ phiếu vẫn chưa đến, và hiện chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường đã tạo đáy”. Ông cho biết đã tăng phân bổ tài sản vào nhóm trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn.

“Thị trường đang tiến gần hơn tới việc phản ánh cuộc suy thoái hiện nay vào giá. Cuộc suy thoái này đã được dự báo rất nhiều nhưng vẫn chưa được định giá đầy đủ”.

Các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm sút trong những tháng gần đây.

Cuối tuần trước, các chuyên gia của Goldman Sachs cắt giảm mức mục tiêu chỉ số S&P 500 vào cuối năm nay từ 4.300 điểm còn 3.600 điểm, nguyên nhân là mặt bằng lãi suất lên cao. So với mức điểm thực tế hiện nay, mục tiêu mới mà Goldman Sachs đưa ra thấp hơn khoảng 3%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, Đức, Anh đều leo lên các mức kỷ lục hàng chục năm, cho thấy giá trái phiếu lao dốc.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại tình hình sẽ tiếp tục xấu đi rồi mới có thể tốt lên.

“Câu hỏi lúc này không phải là liệu chúng ta có rơi vào suy thoái hay không mà là cuộc suy thoái sẽ nghiêm trọng đến đâu và liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính và cú sốc thanh khoản toàn cầu hay không?”, ông Mike Riddell, Giám đốc quản lý danh mục trái phiếu của Allianz Global Investors tại London, nhận xét.

Vì chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nên ông Riddell ước tính rằng chiến dịch thắt chặt gần đây của các ngân hàng trung ương sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu vào giữa năm sau suy yếu hơn cả hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng các thị trường vẫn đang đánh giá quá thấp những thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới”, ông Riddell nói.

Đức Quyền - Song Ngọc