|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì đâu Dow Jones rớt gần 500 điểm xuống thấp nhất kể từ cuối 2020, chứng khoán toàn cầu rực lửa?

07:27 | 24/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới ngày 23/9 đồng loạt đỏ lửa khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng cao và biến động thất thường trên thị trường ngoại hối sẽ gây ra suy thoái toàn cầu.

Dow Jones thủng mốc 30.000, S&P 500 xuống dưới 3.700, Nasdaq kết phiên dưới mốc 11.000 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 486 điểm, tương đương 1,62%, và kết phiên ở 29.590 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,72% xuống còn 3.693 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 1,8% và dừng ở gần 10.868 điểm.

Dow Jones ghi nhận mức đáy mới của năm 2022 và lần đầu tiên đóng cửa dưới ngưỡng 30.000 điểm kể từ ngày 17/6. Hiện nay, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, kém 19,9% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi đầu năm, tức là đang rất gần ngưỡng thị trường gấu (giảm 20% so với đỉnh).

Trong phiên 23/9, Dow Jones có lúc mất 826 điểm rồi sau đó hồi phục một phần.

Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. 

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm điểm thứ 5 trong 6 tuần gần đây. Dow Jones mất 4%, S&P 500 và Nasdaq cũng sụt tương ứng 4,65% và 5,07%.

Thị trường lao dốc trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 thông báo tăng mạnh lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) để đối phó với lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ dự tính sẽ tiếp tục nâng lãi suất với quy mô tương tự trong cuộc họp tháng 11 tới.

CNBC dẫn lời bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại LPL Financial, nhận xét: “Thị trường đang chuyển dịch một cách nhanh chóng và rõ ràng từ lo lắng về lạm phát sang quan ngại về chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Fed”.

“Lợi suất trái phiếu leo lên mức cao nhất trong nhiều năm và khiến cho mọi người phải tự hỏi: Làm sao Fed có thể đạt được ổn định giá cả mà không khiến cho nền kinh tế đổ vỡ”, bà Krosby nói thêm.

Trên thị trường ngoại hối, giá trị của đồng bảng Anh (BGP) tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm qua so với USD, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Chính phủ Anh mới đây đã công bố một kế hoạch kinh tế gồm hàng loạt quyết định cắt giảm thuế với quy mô lớn nhất trong nửa thế kỷ qua.

Bảng Anh (GBP) đang mất giá mạnh so với USD.

Ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa, cho biết các thị trường tài chính “hoảng sợ” vì mức độ “phân phát tài khóa” mà chính phủ Anh muốn thực hiện. Điều mà các nhà đầu tư hiện nay lo sợ nhất là lạm phát, và chính sách tài khóa nới lỏng có thể khiến đà tăng của giá cả bùng lên.

Hôm 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo GDP quý III của nước này sẽ giảm 0,1% sau khi đã giảm 0,1% trong quý II. Mặc dù vậy, BoE vẫn theo chân Fed và nâng lãi suất thêm 50 bps để kiềm chế lạm phát đang ở ngưỡng 10%. Nói cách khác, BoE và Fed đều coi suy thoái là cái giá cần thiết phải trả trong nỗ lực ghìm cương lạm phát.

Ngân hàng trung ương nhiều nước như Việt Nam, Indonesia, Thụy Sỹ, Anh, Na Uy, Arab Saudi cũng nâng chi phí lãi vay sau quyết định mạnh tay của Fed.

Chỉ số FTSE của thị trường chứng khoán Anh mất gần 2% trong phiên 23/9 sau khi đã mất 1,1% vào ngày 22/9. Thống kê bên dưới cho thấy các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều chìm trong sắc đỏ phiên cuối tuần.

Chứng khoán thế giới chìm trong biển lửa phiên 23/9 giữa lo ngại về suy thoái toàn cầu.

"Tình hình hiện nay là một mớ hỗn độn về vĩ mô toàn cầu mà thị trường đang phải cố làm rõ”, bà Quincy Krosby nói.

Ngân hàng Goldman Sachs cắt giảm mức mục tiêu chỉ số S&P 500 vào cuối năm nay từ 4.300 điểm còn 3.600 điểm, nguyên nhân là mặt bằng lãi suất lên cao. So với mức điểm thực tế hiện nay, mục tiêu mới mà Goldman Sachs đưa ra thấp hơn khoảng 3%.

Những cổ phiếu có nguy cơ thiệt hại lớn nhất khi suy thoái kinh tế xảy ra là những nhóm sụt giảm sâu nhất. Biểu đồ sau đây cho thấy nhóm năng lượng dẫn đầu đà lao dốc của thị trường phiên 23/9. Cổ phiếu y tế giảm ít nhất khi mất 0,54%, không có nhóm nào tăng.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm sút trong phiên 23/9.

Đức Quyền