|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Với các nước châu Á, tỷ giá là rủi ro lớn hơn lãi suất

10:37 | 26/09/2022
Chia sẻ
Hai đồng tiền có tầm ảnh hưởng lớn nhất của châu Á là yen và nhân dân tệ đều mất giá khi USD nhận được cú hích từ việc ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất. Sự sụt giảm nhanh chóng của hai đồng tiền này có thể tạo ra gánh nặng cho tiền tệ những nước khác trong khu vực.

 

(Hình minh họa: Reuters). 

Hai đồng tiền mạnh trượt dốc

Các thị trường châu Á có nguy cơ lặp lại căng thẳng cấp khủng hoảng trong bối cảnh hai đồng tiền quan trọng nhất trong khu vực quỵ ngã trước sức mạnh dữ dội của đồng USD.  

Cả yen lẫn nhân dân tệ đều đang trượt dài so sự khác biệt ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Trung Quốc với Mỹ. Trong lúc các quốc gia châu Á khác phân bổ dự trữ ngoại hối để giảm thiểu thiệt hại từ USD, sự sụt giảm của yen và nhân dân tệ càng khiến tình hình trở nên xấu đi.

Cứ đà này, châu Á có thể mất đi danh tiếng là địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư chứng khoán, theo tờ Bloomberg

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank ở Singapore cho biết: “Yen và nhân dân tệ là hai mỏ neo lớn, sự suy yếu của chúng có nguy cơ gây bất ổn cho các đồng tiền thương mại và đầu tư ở châu Á.

Một số khu vực đã manh nha xuất hiện sự căng thẳng cấp độ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu tổn thất ngày càng lớn, bước tiếp theo sẽ là khủng hoảng tài chính châu Á”.

 

Sức nặng của Nhật Bản và Trung Quốc được thể hiện rõ qua tầm ảnh hưởng trong các mối quan hệ thương mại và kinh tế của hai nước này. Dữ liệu của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc là đối tác lớn nhất của các nước Đông Nam Á trong 13 năm liên tục. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là nhà xuất khẩu vốn và tín dụng quan trọng.

Sự mất giá của đồng nội tệ của hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực có thể biến thành khủng hoảng nếu các nhà đầu tư quốc tế hoảng loạn và đồng loạt rút tiền khỏi châu Á, dẫn đến làn sóng thoái vốn khổng lồ. Hoặc, sự suy giảm có thể châm ngòi cho chu kỳ phá giá tiền tệ tai hại và sự trượt dốc của nhu cầu cũng như niềm tin của người tiêu dùng.  

“Rủi ro lớn hơn”

Ông Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng tại DBS Group ở Singapore nhận định: “Với các nước châu Á hiện nay, rủi ro tiền tệ là mối đe dọa lớn hơn lãi suất. Sau cùng thì mọi nước châu Á là các nhà xuất khẩu và chúng ta có thể chứng kiến sự tái hiện của cuộc khủng hoảng 1997 hay 1998 mà không có tổn thất khổng lồ ngoài dự kiến”.

Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh và Tokyo trong thị trường tài chính còn rõ rệt hơn. Nhân dân tệ chiếm hơn 25% tỷ trọng của các chỉ số tiền tệ châu Á, theo phân tích của BNY Mellon Investment Management. Yen là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới, do đó sự suy yếu của yen có tác động khổng lồ lên các đối tác châu Á.

Nguy cơ rủi ro từ hai đồng tiền lớn nhất trong khu vực lan tỏa sang các nền kinh tế nhỏ hơn được thể hiện qua mối tương quan đồng biến ngày càng lớn khi USD mạnh lên. Hệ số tương quan 120 ngày giữa yen và chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi MSCI vọt lên mức 0,9 vào tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2015.

 

Nguy cơ về hiệu ứng lan toả càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đà giảm của các đồng tiền tăng tốc. Tuần trước, yen Nhật lần đầu tiên mất mốc 145 yen/USD trong hơn hai thập kỷ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một ngày trước đó.

Đồng yen đã phục hồi phần nào sau khi Nhật Bản can thiệp nhưng hầu hết các nhà quan sát cho rằng sự sụt giảm hơn nữa là điều không thể tránh khỏi.

Cũng trong tháng 9, đồng nội tệ Trung Quốc có lúc để mất ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD do chịu áp lực từ Fed và tăng trưởng nội địa chậm lại.

Ngưỡng "kích động"

Ông Jim O’Neill, cựu nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs nhìn nhận các ngưỡng tỷ giá cụ thể như 150 yen/USD có thể gây hỗn loạn trên quy mô lớn như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Những chuyên gia khác thì lại cho rằng tốc độ của sự sụt giảm quan trọng hơn là các ngưỡng “kích động” đơn lẻ.

Ông Aninda Mitra, Giám đốc phụ trách mảng đầu tư và vĩ mô châu Á tại BNY Mellon Investment Management nói rằng sự sụt giảm nhanh chóng của yen và nhân dân tệ “có thể sớm biến thành ‘gánh nặng lớn’ cho các đồng tiền khác trong khu vực. Nhân dân tệ mất giá mạnh hơn nữa có thể tạo ra thêm rắc rối cho các quốc gia châu Á khác”.

Cũng cần phải lưu ý rằng các nước châu Á hiện nay có vị thế tốt hơn nhiều giai đoạn trước khủng hoảng 1997. Do vậy, nguy cơ yen và nhân dân tệ mất giá hơn nữa chưa chắc sẽ gây ra biến động tài chính lớn. Tuy nhiên, một số khu vực đã xuất hiện rủi ro.

Bà Trang Thuy Le, chuyên gia tại Macquarie Capital ở Hong Kong nhận định: “Các đồng tiền dễ bị tổn thương nhất đến từ các nước bị thâm hụt tài khoản vãng lai như won Hàn Quốc, peso Philippines và baht Thái Lan. Khi cả yen và nhân dân tệ đều rớt giá, các nhà đầu tư chịu rủi ro từ tiền tệ các thị trường mới nổi có thể sẽ mua USD và tìm cách phòng vệ cho của cải”.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.