|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư hy vọng kỳ tích hạ cánh mềm sẽ tái hiện, nền kinh tế Mỹ bùng nổ như thập niên 1990

11:11 | 29/12/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng đáng kinh ngạc sau cuộc "hạ cánh mềm" năm 1995. Các nhà đầu tư đang hy vọng rằng kỳ tích này có thể lặp lại lần nữa.

(Hình minh họa: Fox Business). 

Điểm chung giữa quá khứ và hiện tại

Ngày càng nhiều chuyên gia đề cập đến khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Các cuộc thảo luận đã nhen nhóm trong nhà đầu tư niềm hy vọng rằng tăng trưởng sẽ bùng nổ như những năm 1990. Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), kịch bản này không dễ xảy ra nhưng cũng không hẳn là mơ ước viển vông.

Trong lịch sử, nền kinh tế Mỹ thường dễ rơi vào suy thoái sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kết thúc chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ngoại lệ thì vẫn có.

Trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là đợt tăng lãi suất năm 1994. Thị trường tài chính rơi vào cảnh náo động, nhưng rất nhanh thời kỳ hoàng kim đã mở ra cho cả Phố Wall lẫn Phố Main.

Khi đó, lãi suất quỹ liên bang tăng từ 3% vào đầu năm 1994 lên khoảng 6% vào tháng 3/1995, tương ứng với mức tăng 3 điểm % trong hơn một năm. Trong chu kỳ hiện tại, Fed đã kéo lãi suất từ phạm vi 0 - 0,25% đến 5,25 - 5,5% trong vòng 16 tháng.

Đến giữa thập niên 1990, nền kinh tế Mỹ chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái. Tăng trưởng GDP thực chạm đáy vào quý IV/1995 với tốc độ 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Fed thực hiện vài đợt giảm lãi suất khiêm tốn trong năm 1995 - tương tự như những gì các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ xảy ra trong năm 2024.

Sau đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một trong những giai đoạn huy hoàng nhất trong lịch sử. Chỉ số S&P 500 giảm 1,5% trong năm 1994, sau đó nhảy vọt 34,1% trong năm 1995 và liên tục tăng cao hơn trước cho đến khi bong bóng dot-com phát nổ vào năm 2000.

 

Ở một sự kiện gần đây, các nhà phân tích của UBS đã xác định một số yếu tố có thể giúp nền kinh tế bùng nổ trở lại. Trong kịch bản này, tốc độ tăng trưởng GDP thực sẽ đạt từ 2,5% trở lên, còn lạm phát nằm trong khoảng 2% - 3%.

Quan trọng nhất là các yếu tố thuộc “phía cung” như vốn đầu tư vào nhà máy và cơ sở hạ tầng hay những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gia tăng năng suất. Các yếu tố này có thể giúp ích cho tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế mà không gây ra lạm phát, tương tự tác động của máy tính và internet trong thập niên 1990.

Ông Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của TS Lombard, nhận định: “Khả năng nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như thập niên 1990 là khá lớn, nhưng cũng có thể bị thổi phồng. Nhiều yếu tố tiêu cực có thể đè nén tăng trưởng trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn thì ván cược này phụ thuộc vào năng suất”.

 

Các yếu tố khác biệt

Ông Blitz chỉ ra một trong những điểm khác biệt giữa quá khứ và hiện tại là trong thập niên 1990, lạm phát được duy trì ở mức thấp một phần là nhờ xu hướng toàn cầu hóa.

Còn hiện tại, xu hướng chuyển hoạt động công nghiệp về nước là yếu tố tích cực đối với việc đầu tư vốn ở Mỹ nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn áp lực lạm phát, bởi chi phí của nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài rẻ hơn là sản xuất trong nước.

Tương tự, các khoản đầu tư vào năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng có thể gây áp lực lạm phát trong ngắn hạn, hoặc thậm chí kéo năng suất đi xuống, theo ông Jason Draho, trưởng bộ phận phân bổ tài sản khu vực châu Mỹ của UBS Global Wealth Management.

Tuy nhiên, ông Draho lưu ý rằng nếu những khoản đầu tư đó có thể tạo ra một hệ thống năng lượng hiệu quả hơn thì năng suất sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.

 

Một điểm khác biệt nữa là hiện rất nhiều tin tức tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Hồi tháng 12/1993, hệ số P/E điều chỉnh theo chu kỳ (tức hệ số CAPE) ở mức 21,2 lần. Còn theo số liệu mới nhất vào tháng 9/2023, P/E điều chỉnh theo chu kỳ của chứng khoán Mỹ là 30,8 lần.

Năng suất những năm 1990 chứng kiến sự cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động được ghi nhận vào quý I/1994 là 0,5%, sau đó đạt 2,6% vào quý IV/1997 và nhảy vọt lên 3,7% trong quý I/1998.

Dữ liệu về năng suất hiện nay thì kém hơn nhiều. Vào quý III/2023, năng suất lao động tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng hai quý liền trước lại âm.

Theo tờ WSJ, rất có thể AI sẽ là nhân tố quyết định liệu năng suất và công nghệ của Mỹ có bùng nổ như vào thập niên 1990 hay không. Nhưng tác động cuối cùng của AI lên năng suất là điều cực kỳ khó đoán.

Nhà phân tích Draho bình luận rằng với AI, vô số kịch bản có thể xảy ra. Nhưng nếu năng suất lao động tiếp tục đi lên, các nhà đầu tư sẽ ngày càng phấn khích về khả năng kỳ tích của thập niên 1990 sẽ lặp lại.

Giang