|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc chọn chính sách công nghiệp là ưu tiên kinh tế hàng đầu trong năm 2024

14:42 | 13/12/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch mới đề ra, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ chú trọng vào việc phát triển công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới

Hội nghị công tác kinh tế thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong hai ngày và vừa khép lại vào ngày 12/12. Hội nghị xác định xây dựng “hệ thống công nghiệp hiện đại” là mục tiêu kinh tế số một cho năm 2024, tăng một bậc so với năm ngoái.

Thúc đẩy nhu cầu trong nước là ưu tiên số một trong năm 2023 nhưng nay đã tụt xuống vị trí thứ hai trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú trọng hơn vào việc phát triển công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.

Hội nghị được tiến hành giữa lúc nền kinh tế thứ hai thế giới đứng trước ngã rẽ quan trọng. Trung Quốc đang tìm kiếm các động cơ tăng trưởng mới để thay thế cho vai trò của thị trường bất động sản, vốn là động lực chính của nền kinh tế trong hàng chục năm qua.

Theo tờ Bloomberg, việc hội nghị ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giá trị cao thay vì cố gắng kích thích chi tiêu tiêu dùng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong ngắn hạn. 

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc và Bắc Á của Standard Chartered, bình luận: “Tôi không thấy dấu hiệu nào thể hiện rằng Bắc Kinh muốn tung ra các kích thích quy mô lớn”. Hội nghị cũng cho thấy Bắc Kinh coi trọng "tự chủ về công nghệ” hơn những năm trước.

Nhiều thuận lợi hơn bất lợi

Các lãnh đạo cấp cao có đề cập đến những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và đồng thời tìm cách nâng cao tinh thần cho năm 2024. Văn bản công bố sau hội nghị khẳng định: “Trên chặng đường phát triển tương lai của Trung Quốc, các yếu tố thuận lợi vượt trội hơn những yếu tố bất lợi. Xu hướng căn bản của cuộc phục hồi kinh tế và triển vọng tích cực dài hạn vẫn chưa thay đổi”.

Bắc Kinh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 vào khoảng 5%. Giờ đây, nhà đầu tư muốn biết chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng công cụ gì để đạt được tốc độ tương tự trong năm 2024.

Hội nghị kêu gọi các nhà chức trách tăng cường các biện pháp tài khóa sao cho phù hợp, đồng thời áp dụng chính sách tiền tệ “thận trọng”. Cuộc họp tuần trước của 24 thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Sự kiện này được thị trường đánh giá là thể hiện lập trường ủng hộ tăng trưởng.

 

Đối phó với giảm phát

Trong tuần này, các quan chức cũng lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng nên phù hợp với mục tiêu lạm phát và GDP. Theo các nhà kinh tế, đây có thể là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024 để đối phó với giảm phát.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Macquarie Group, dự đoán Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng thương mại vào năm sau để chống lại rủi ro giảm phát.

 

Trong hội nghị tuần này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ra tín hiệu về một số biện pháp hỗ trợ lĩnh vực tiêu dùng, làm dấy lên kỳ vọng rằng chính phủ có thể trợ cấp để các hộ gia đình mua sắm thiết bị, ô tô và đồ nội thất mới. Họ cũng đề cập đến việc khởi động một “đợt cải cách thuế mới”.

So với hội nghị năm ngoái, sự kiện năm nay nhấn mạnh nhiều hơn vào các rắc rối kinh tế phát sinh từ việc quá chú trọng vào phía cung. 

Ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics, bình luận: “Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tin tưởng rằng việc phát triển công nghệ mới, nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi là chìa khóa để nâng cao sự thịnh vượng và năng suất của đất nước”.

Giang