|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bank of America: Lạm phát trên khắp thế giới sẽ tiếp tục giảm, mở đường để 152 NHTW hạ lãi suất vào năm 2024

16:25 | 25/12/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia của Bank of America dự đoán lạm phát hạ nhiệt sẽ tạo động lực để 152 ngân hàng trung ương giảm lãi suất trong năm 2024.

(Hình minh họa: Techopedia). 

Món quà mà nền kinh tế toàn cầu nhận được trong mùa lễ Giáng sinh năm nay có lẽ là việc lạm phát đang hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Nếu các nhà kinh tế đoán đúng, phép màu sẽ lặp lại vào năm sau, đưa lạm phát quay trở lại mức bình thường sau ba năm tăng đột biến.

Theo Goldman Sachs, trong ba tháng kết thúc vào tháng 11 vừa qua, lạm phát lõi tại các khu vực từng chứng kiến áp lực giá phình to hậu đại dịch như Mỹ, châu Âu và một vài thị trường mới nổi là 2,2%. Và đến cuối năm 2024, lạm phát trung bình tại các khu vực này sẽ quay trở về đúng hoặc gần bằng mức mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương lớn.

Lạm phát đi xuống sẽ thúc đẩy nền kinh tế bằng cách củng cố sức mua của các hộ gia đình và cho phép ngân hàng trung ương giảm lãi suất.Ngân hàng trung ương tại Mỹ, Anh và châu Âu đều đặt mục tiêu lạm phát là 2%.

Ông Michael Saunders, cố vấn cấp cao của Oxford Economics, dự đoán lạm phát tại Anh và khu vực đồng euro sẽ lần lượt đạt 2,7% và 1,3% vào quý IV/2024. Tương tự, tính theo thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi), lạm phát tại Mỹ sẽ lùi về còn 2,2%.

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy PCEPI lõi tháng 11 tăng 3,2% so với một năm trước. Còn nếu tính trong 6 tháng kết thúc vào tháng 11, lạm phát lõi tính theo PCEPI lõi chỉ tăng 1,9%. 

Các yếu tố giúp lạm phát hạ nhiệt

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời ông Saunders cho hay: “Các yếu tố chung đẩy lạm phát xuống là giá năng lượng, thực phẩm, hàng hoá và chính sách tiền tệ. Điểm khác biệt là áp lực tiền lương của Anh và Mỹ không giảm nhanh bằng khu vực đồng euro”.

Trong năm 2021, giá hàng hoá trên thế giới tăng vọt vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khiến nguồn cung phải chật vật để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Sang năm 2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên liệu thô phi mã, kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên mức cao nhất trong hàng chục năm.

Lực lượng lao động cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu lao động quá lớn khiến tiền lương tăng mạnh, kéo theo lạm phát dịch vụ đi lên.

 

Việc các nút thắt của chuỗi cung ứng được tháo gỡ là yếu tố quan trọng giúp lạm phát bắt đầu hạ nhiệt từ cuối năm 2022. Nhiều khả năng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2024.

Thị trường hàng hóa và năng lượng cũng đã điều chỉnh sau chiến sự Nga - Ukraine, giúp giá xăng dầu giảm đáng kể và giá thực phẩm bình ổn trở lại.

Ông Neil Dutta, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro Research, dự đoán những yếu tố này sẽ tiếp tục đưa lạm phát đi xuống trong năm 2024. 

Thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế lớn cũng bắt đầu tái cân bằng trong năm nay, làm giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương - yếu tố chính cấu thành lạm phát dịch vụ. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới.

 

Khả năng lãi suất đi xuống

Tại các nền kinh tế lớn, việc lạm phát đi xuống và tốc độ tăng trưởng chững lại sẽ mở đường để giới chức ngân hàng trung ương giảm lãi suất vào năm sau.

Đầu tháng này, Fed đã ra tín hiệu sẽ hạ lãi suất. Nhà nghiên cứu Dutta bình luận: “Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động khá tốt. Các điều kiện tài chính đã nới lỏng. Lợi nhuận doanh nghiệp đang được cải thiện”.

Trong bối cảnh đó, ông Dutta nhận định rất có thể Fed sẽ thực hiện 3 - 4 đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm 2024 thay vì 6 lần như kỳ vọng của thị trường. “Nhưng điều đó vẫn sẽ tạo ra cảm giác khá dễ chịu, giống như nền kinh tế đang hạ cánh mềm”, ông nói.

Triển vọng trên đã tạo điều kiện để lợi suất trái phiếu đi xuống, giúp làm giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp và người mua nhà ở Mỹ.

Người đi vay ở châu Âu có thể phải chờ lâu hơn, vì họ phụ thuộc nhiều vào ngân hàng hơn là thị trường vốn. Ông Simon MacAdam, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics, dự kiến lãi suất các khoản vay ngân hàng ở khu vực đồng euro sẽ chỉ bắt đầu giảm đáng kể từ nửa sau năm 2024.

Trong bối cảnh lạm phát trên khắp thế giới đang trên đà giảm, các chuyên gia của Bank of America dự đoán 152 ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất trong năm sau. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009.  

Ông Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets Economics, ước tính rằng tốc độ tăng trưởng tại hầu hết các nền kinh tế lớn trong năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023. Nhưng các đợt giảm lãi suất, việc các chuỗi cung ứng được chữa lành kết hợp với xu hướng hạ nhiệt của giá năng lượng và thực phẩm sẽ giúp thế giới đẩy lùi nguy cơ suy thoái.

Giang