|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu quan chức Mỹ: Fed khiến Phố Wall lạc quan quá độ khi thông báo sẽ hạ lãi suất

07:36 | 18/12/2023
Chia sẻ
Người từng điều hành FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cảm thấy lo ngại khi Fed phát tín hiệu giảm lãi suất vào năm tới, khiến nhà đầu tư trở nên lạc quan một cách nguy hiểm.

 

Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair. (Ảnh: Getty Images).

Theo cựu Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Sheila Bair, thị trường đang lạc quan đến mức nguy hiểm trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.

Bà Bair, người từng điều hành FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho biết Chủ tịch Fed Jerome Powell đã “bồ câu” một cách vô trách nhiệm tại cuộc họp chính sách tuần trước khi tạo ra “tâm lý phấn khích quá độ” cho nhà đầu tư.

“Trọng tâm của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn phải là lạm phát”, bà Bair nhấn mạnh trong một chương trình của CNBC hồi tuần trước.

“Cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn một chặng đường dài. Tôi thực sự lo lắng rằng Fed đang dao động và cố gắng đảo chiều chính sách vì lo ngại suy thoái, trong khi tôi không thấy bất kỳ rủi ro nào từ dữ liệu”, cựu Chủ tịch FDIC nói tiếp.

 

 

 

Sau khi giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, Fed phát tín hiệu sẽ có ít nhất ba đợt hạ lãi suất vào năm 2024 với tổng mức giảm 75 điểm cơ bản. Và thị trường đã bắt lấy tín hiệu từ Fed.

Chỉ số Dow Jones đã liên tục phá đỉnh mọi thời đại trong ba phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Dow Jones hiện đang có chuỗi tăng điểm hàng tuần dài nhất kể từ năm 2019, trong khi S&P 500 là từ năm 2017.

Bair tin rằng đà tăng giá của thị trường dựa trên khả năng Fed nới lỏng chính sách không được chắc chắn.

“Thật sai lầm. Tôi nghĩ Fed cần phải để mắt tới lạm phát và chế ngự thị trường chứ không phải củng cố thị trường bằng lập trường ôn hoà này”, bà nói. “Lo ngại của tôi là khả năng lãi suất sẽ xuống thấp đáng kể trong năm 2024”.

Vị cựu quan chức cấp cao này cho rằng chi phí dịch vụ và thuê nhà là những khoản mục khó giảm nhiệt nhất. Ngoài ra, bà còn lo lắng rằng thâm hụt ngân sách, các hạn chế thương mại và dân số già cũng sẽ tạo ra áp lực lạm phát đáng kể.

“Lãi suất nên được giữ nguyên. Chúng ta đang chứng kiến những xu hướng tích cực. Chúng ta cần kiên nhẫn theo dõi để biết diễn biến tiếp theo ra sao”, bà Bair lưu ý.

 

Khả Nhân