|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát có thể tăng trở lại sau khi Fed phát tín hiệu hạ lãi suất

10:20 | 24/12/2023
Chia sẻ
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng tín hiệu cắt giảm lãi suất từ Fed có thể khiến các điều kiện tài chính nới lỏng và giúp lạm phát bật tăng trở lại.

Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp dự kiến Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất ba lần vào năm 2024. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Tại cuộc họp chính sách hồi tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2024. Sau đó, ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm chi phí đi vay thêm 4 lần nữa vào năm 2025 và 3 lần khác vào năm 2026.

Thông tin trên khiến thị trường tài chính phấn khởi. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones phá đỉnh trong hai ngày liên tiếp khi kết phiên và giá hàng hoá công nghiệp cũng bật tăng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo ngại rằng tín hiệu của Fed có thể khiến giá cả đi lên một lần nữa. Hay nói cách khác, áp lực lạm phát có thể phình to trở lại, theo Business Insider.

Hiện tại, lạm phát tại Mỹ vẫn chưa quay về mức mục tiêu 2% của Fed. Vào tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đi lên 2,6%.

Trong một ghi chú gần đây, ông Jose Torres, nhà kinh tế cấp cao tại Interactive Brokers, cho biết: “Tâm lý tích cực của các nhà đầu tư đã khiến các điều kiện tài chính nới lỏng... điều này có khả năng sẽ tạo ra một đợt lạm phát mới”.

Ông Torres nói thêm: “Tôi nghĩ Chủ tịch Fed Jerome Powell đã quá vội khi thảo luận việc giảm lãi suất, khi mà chỉ hai tuần trước ông vẫn còn cho rằng quá sớm”.

Trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch, ông Robert Brusca, Giám đốc cấp cao của FAO Economics, nhấn mạnh: “Tôi không hiểu Fed sẽ làm cách nào để đẩy lạm phát xuống 2% nếu họ bắt đầu cắt giảm lãi suất”.

Ông Brusca lưu ý rằng tăng trưởng tiền lương ổn định đang là một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát.

 

Tuy nhiên, cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã đạt được một số bước tiến. Mức tăng 3,1% vào tháng 11 của CPI thấp hơn một chút so với con số 3,2% của tháng 10 và thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 40 năm là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái.

Lạm phát đã hạ nhiệt sau 11 đợt tăng lãi suất của Fed. Kể từ cuộc họp tháng 7 đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang để có thêm thời gian đánh giá tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.

Việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp đỡ phần nào cho người tiêu dùng Mỹ, bởi chi phí vay nợ thế chấp mua nhà hay lãi suất thẻ tín dụng đều sẽ giảm bớt. Đồng thời, việc này cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu và đầu tư của doanh nghiệp.

Thông thường, Fed sẽ hạ lãi suất khi nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Tại cuộc họp gần nhất, ông Powell khẳng định rằng suy thoái vẫn là một “rủi ro thực sự”.

 Song, cắt giảm lãi suất cũng đi kèm với những rủi ro khác. Sau cùng, nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới không tăng trưởng chậm đến mức cận kề suy thoái trong quý tới, thì “lạm phát sẽ sớm tăng trở lại”, ông Steven Blitz của TS Lombard cảnh báo.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng dữ liệu kinh tế trong những tháng tới sẽ yếu hơn, từ đó đè nặng lên tăng trưởng GDP của Mỹ. Đối với Fed, suy thoái còn tệ hơn việc lạm phát duy trì trên mức mục tiêu 2%.

“Fed có thể kiên nhẫn chờ đợi lạm phát quay trở lại mức 2% trong hai đến ba năm nữa. Song, nếu có thông tin tiêu cực về việc làm, Fed sẽ mất kiên nhẫn và sẽ giảm lãi suất ngay”, nhà kinh tế cấp cao của TS Lombard cho hay.

Khả Nhân